Thiết kế xây dựng kháng chấn động đất: Sự thận trọng cần thiết
Được coi là một sự thận trọng cần thiết trước bài học kinh nghiệm của nhiều nước láng giềng đối phó với động đất, UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ thị yêu cầu kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình; có kế hoạch cải tạo, sửa chữa và di dời khẩn cấp khi có động đất hoặc các sự cố khác. Có thể coi đây như “hồi chuông” cảnh báo tới tất cả sở, viện, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng... UBND TP Hà Nội yêu cầu tất cả các cơ quan quản lý, sử dụng các công trình xây dựng hiện hữu như: nhà ở, chung cư cao tầng, trường học, bệnh viện... phải tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực tế chất lượng toàn bộ các công trình này, trong đó, đặc biệt chú trọng các công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa.
Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã có kết quả nghiên cứu xác lập, phân chia nền đất Hà Nội thành 27 loại cơ bản; đồng thời xác định đặc trưng dao động cho mỗi loại nền ứng với chu kỳ lặp lại động đất 200 năm, 500 năm và 1000 năm. Từ kết quả nghiên cứu, Viện đã xây dựng quy định về việc áp dụng tính kháng chấn cho các công trình trên địa bàn theo 7 tiêu chuẩn quốc tế đã được Bộ xây dựng cho phép.
Hà Nội nằm trong vùng động đất
Trên bản đồ phân vùng nhỏ động đất của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội thì Thủ đô nằm trong vùng động đất cấp 8. Các chuyên gia dự đoán, Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ rích te, ở độ sâu 15-20km liên quan đến hoạt động đứt gãy sâu sông Hồng và sông Chảy. Các tài liệu lịch sử đã ghi nhận động đất mạnh cấp 7-8 độ rích te đã từng xảy ra tại Hà Nội, chưa kể những ảnh hưởng phát sinh từ các đới động đất lân cận. Tính đến năm 1992, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 152 trận động đất lớn, nhỏ.
Theo bản đồ nói trên, địa bàn Hà Nội được chia làm 3 khu vực, tương ứng với 3 loại nền đất. Khu vực có khả năng động đất cấp 7 phân bố rải rác trên địa phận huyện Đông Anh, Từ Liêm, khu vực Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc (quận Ba Đình)... Khu vực có khả năng xảy ra động đất cấp 8 chiếm phần lớn địa bàn Hà Nội gồm: Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam sông Hồng, Đông Bắc hồ Tây...
Ông Nguyễn Kim Long, Phó phòng kỹ thuật và giám định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất TCXDVN 375:2006 và kể từ đó, tất cả các công trình do Sở Xây dựng hoặc các quận, huyện thẩm định đều phải áp dụng tiêu chuẩn này. Khảo sát hiện nay cũng cho thấy hầu hết các công trình cao tầng đều được thiết kế kháng chấn động đất cấp 8. “Khi tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi đều giới thiệu chủ đầu tư sang Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội để được cung cấp dữ liệu về động đất tại vị trí xây dựng công trình, từ đó có thiết kế kháng chấn cụ thể”. - ông Long nói.
Ứng phó như thế nào?
Trả lời câu hỏi, nếu có động đất liệu có xảy ra thảm họa? Ông Long cho biết: Đối với công trình thiết kế kháng chấn cấp 8, nếu xảy ra động đất cấp tương đương, công trình sẽ không sụp đổ nên không gây ra thảm họa chết người. Tuy nhiên, công trình đó có thể bị hư hỏng nặng buộc phải phá hủy xây dựng lại. Mặc dù khả năng xảy ra động đất là rất nhỏ nhưng không thể khẳng định sẽ không xảy ra. Trung Quốc là một cường quốc về công nghệ nhưng vẫn phải hứng chịu thảm họa động đất. Vì vậy, thiết kế kháng chấn công trình là đề phòng tối đa mọi khả năng chứ không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối.
- 0
- By Admin
- 07/08/2008
- 17