• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thiết kế trần cho căn hộ chung cư

Chiều cao trần của nhà chung cư thường phổ biến từ 2,9m đến 3m. Trường hợp trần có dầm bê tông hạ xuống đi ngang phòng, dầm xuất hiện ở các góc giao giữa trần và tường, hoặc do nhu cầu trang trí mà trần giả (trần kết cấu nhẹ được treo bám vào trần bê tông) được đưa vào sử dụng khá phổ biến trong các căn hộ chung cư. Việc đưa trần giả vào sẽ làm giảm chiều cao phòng xuống và có thể gây tác dụng ngược nếu không được thiết kế hợp lý.

Thiết kế trần cho căn hộ chung cư | ảnh 1
Trần giả bằng thạch cao xử lý khuyết điểm của dầm nổi hạ giữa căn phòng.

Đối với nhà chung cư không có dầm hạ ở trên trần (tòa nhà được thiết kế kết cấu sàn không dầm, hoặc sàn không có dầm phụ đỡ tường ngăn), bạn không nên làm trần giả hoặc chỉ nên làm ở một số khu vực, hoặc chỉ hạ trần khoảng 15-20cm để phát huy ưu điểm về chiều cao trần cho những căn hộ này. Trường hợp buộc phải làm trần giả để che các khuyết điểm của trần bê tông, bạn nên chú ý về chiều cao cho các phòng. Phòng khách, phòng ngủ nên thiết kế trần càng cao càng thoáng, có thể từ 2,6m đến 2,8m. Phòng bếp, phòng ăn, phòng vệ sinh trần có thể hạ thấp, nhưng không nên thấp dưới độ cao 2,4m tính từ sàn.

Vật liệu hoàn thiện và trang trí trần có đặc điểm là phải nhẹ, phổ biến nhất cho trần giả hiện nay là tấm thạch cao được treo lên trần bằng hệ xương tôn nhẹ. Loại này có ưu điểm là nhẹ, dễ tạo kiểu dáng, chi phí thấp, bề mặt hoàn thiện bám màu rất tốt với sơn nước cũng như giấy dán tường.

Thiết kế trần cho căn hộ chung cư | ảnh 2
Trần giả bằng thạch cao uốn lượn nhẹ nhàng không che hết phần trần bê tông hiện trạng, có tác dụng trang trí và gần như không làm trần thấp đi.

Hầu hết các căn hộ hiện nay có diện tích các phòng nhỏ, lại bị lấp đầy bởi đồ nội thất trên sàn, các mảng tường cũng bị che nhiều bởi đồ đạc và tranh ảnh trang trí, nên một mảng trần thiết kế nhẹ nhàng về cả hình thức lẫn màu sắc sẽ là điểm nghỉ cho mắt, giúp nội thất căn hộ căn bằng về động – tĩnh hơn.

Một mảng trần trang trí cầu kỳ về hình khối hoặc màu sắc sẽ làm giảm giá trị cho những bức tường được thiết kế công phu về thẩm mỹ và chi phí, do sự phân tán điểm nhìn đối với tường, trần và đồ nội thất. Nếu bạn tập trung trang trí vào trần, hãy "buông" những bức tường tiếp giáp với trần. Và ngược lại, nếu tập trung trang trí tường, thì một mảng trần đơn giản sẽ làm tôn nên vẻ đẹp của những bức tường.

Trần phòng ngủ, phòng bếp, phòng về sinh, phòng làm việc nên thiết kế đơn giản, hoặc thiết kế phẳng. Trần phòng khách, phòng ăn, phòng trẻ em, bạn nên thiết kế giật cấp với những mảng khối mạch lạc và không nhiều chi tiết để tạo sự vui mắt và dễ dàng cho việc bố trí ánh sáng hắt gián tiếp.

Thiết kế trần cho căn hộ chung cư | ảnh 3
Thiết kế vui mắt, kích thích trí tưởng tượng của trần trong phòng trẻ em.

Ngoài vật liệu thạch cao, trần còn có thể được hoàn thiện trang trí bằng các loại gỗ, nhưng bạn không nên lạm dụng nhiều để tránh cảm giác nặng nề, hoặc trần bằng tấm kim loại thích hợp với những nơi có độ ẩm cao và yêu cầu dễ lau chùi như trong phòng bếp và phòng vệ sinh. Do đặc tính cần phải thiết kế bằng vật liệu nhẹ, hạn chế việc bám bụi bẩn, kết cấu phải an toàn nên sáng tác, trang trí trần giả phụ thuộc nhiều vào sản phẩm của các nhà cung cấp vật liệu trên thị trường.

Đèn chiếu sáng cho căn hộ ngoài bố trí trên tường còn được gắn lên trần. Do đó, trần và ánh sáng thường bao giờ cũng đi đôi với nhau. Trần chính là bức phông nền cho đèn trang trí, hay trần đóng vai trò là mảng phát sáng, nên khi thiết kế trang trí trần, không thể không tính đến mối liên hệ mật thiết này.

KTS. Bùi Việt Hoài
(Theo Kiến trúc A Cộng)

  • 445
  • By Admin
  • 12/10/2012
  • 17