• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thiết kế khu vườn kiểu Nhật

 

Vườn Nhật là kiểu vườn cảnh truyền thống của Nhật Bản. Vườn Nhật mang đặc trưng nổi bật đó là tập hợp ngăn nắp của các vật thể thiên nhiên thu nhỏ qua bàn tay của con người (như một tảng đá được làm trông dáng như một quả núi, hay đất đắp thành những quả đồi, hay những cây được uốn làm cho giống như cây cổ thụ ...) xung quanh một hồ nước nhân tạo có những hòn đảo giả.

Nguồn gốc của khu vườn Nhật truyền thống: Mối khu vườn ở Nhật Bản đều có một đặc trưng riêng tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng. Với người Nhật, một ngôi nhà truyền thống ngoài kiểu kiến trúc đặc trưng thì khu vườn là một trong những điểm nhấn không thể thiếu. Có lẽ cũng vì thói quen mang tính truyền thống đó mà ở Nhật Bản, bất cứ nơi đâu người ta cũng bắt gặp những khu vườn kiểu. Mục đích của việc tạo những khu vườn này là để con người có thể nghỉ ngơi, thư giãn và hoà mình với thiên nhiên, với cây cỏ, hoa lá... nên vườn Nhật có rất nhiều thể loại.

Có thể chia vườn Nhật thành 5 thể loại: Vườn đi dạo; Vườn khô, Vườn trà và Vườn thiền.

Đầu tiên phải kể đến là Vuờn đi dạo. Nơi đây thường được nhấn mạnh bởi nhiều cảnh đẹp tự nhiên để du khách tản bộ trong vườn chiêm ngưỡng. Vườn đi dạo là kiểu vườn khó thiết kế nhất, ngay cả đối với những người chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi phải có ý tưởng rõ ràng ,cô đọng và giải pháp tỉ mỉ để tạo ra tính thống nhất giữa những cảnh riêng biệt.

Tiếp theo vườn khô. Đây là kiểu vườn độc đáo nhất của Nhật Bản. Mặc dù vườn khô không chứa đựng cây cối, cỏ hoa và nước, nhưng vẫn được thiết kế nhằm tái hiện những dãy núi và cảnh quan tự nhiên khác của Nhật Bản. Đó cũng là nguồn gốc vẽ đẹp giản dị của Vườn Khô và vì thế nó trở nên ngày càng phổ biến trong đời sống hiện đại đầy áp lực.

Khu vườn kiểu mẫu tiếp theo phải kể đến vườn trà. Vị trí nguyên thuỷ của kiểu vườn này là ở phía trước hay bao quanh một ngôi nhà uống trà. Trà đạo thỉnh thoảng diễn ra ban đêm nên khu vườn được chiếu sáng bởi những ngọn nến đặt đặt trong đèn lồng bằng đá...

Nếu vườn thiền được các tín đồ đạo Phật Nhật Bản thiết kế nhằm gợi lên những ý tưởng thiền niệm, nhấn mạnh khái niệm cảm xúc sơ khai về sự lột bỏ các lớp bề mặt để khám phá bản thể bên trong thì vườn trên hồ cũng là một nét đẹp khác của vườn Nhật. Nói đến vườn thiền thì có lẽ ai cũng cảm nhận được ở một mức độ nào đó nhưng để giải thích thì quả tình rất khó khăn.

Trong một vườn Nhật, đất là vật liệu làm nền cho cho những chất liệu căn bản như đá, nước và cây cối. Những chất liệu thiên nhiên này với những hình dạng khác nhau kết hợp lại làm nên khu vườn. Bên cạnh đó cũng cần phải có thủy bồn và thạch đăng nữa.

Đá có ý nghĩa quan trọng trong vườn Nhật, nó như là bộ khung, là xương sống, là nền tảng của khu vườn. Nhiều chất liệu sử dụng trong vườn được thực hiện từ đá như đá giậm bước, móng cầu, tường, thạch đăng lung, thuỷ bồn. Đá được bố trí nằm riêng lẻ hay thành nhóm kết hợp với cây cỏ làm thành phông nền cho khu vườn.

Đi kèm với đá, nước là một chất liệu thống trị trong vườn Nhật. Nước có ý nghĩa thuần khiết, dù ở dạng này hay dạng khác, có thực hay là giả định thì nước vẫn là linh hồn của của vườn Nhật. Một hồ nước nhỏ đơn sơ cũng có thể thể hiện được sinh động nét lung linh, huyền ảo. Những lối đi quanh co cũng góp phần gắn kết khu vườn lại với nhau.

Việc lựa chọn và trồng những cây thích hợp cả về chủng loại và kích cỡ là rất cần thiết. Đối với vườn Nhật thì thiết kế cây trồng có nghĩa bao gồm cả việc định dạng kích thước và hình dáng của từng cây trong khu vườn. Khu vườn càng nhỏ thì yêu cầu càng chặt chẽ.

Tất cả các nguyên liệu trên hầu như rất dễ tìm ở Việt Nam, tuy nhiên muốn làm kiểu vườn Nhật, gia chủ cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc như trên. Đối với đá, có rất nhiều chủng loại cho bạn lựa chọn như sỏi cuội to, đá granit, đá thấm thuỷ, đá hộc để trang trí cho khu vườn. Đẹp nhất là sỏi cuội to và đá granit. Ở khu vực nước nên dùng đá thấm thuỷ để tạo điều kiện mọc rêu làm tăng tính tự nhiên cho khu vườn.

Cỏ nhật được trồng làm nền cho khu vườn, tuy nhiên cần chú ý, cỏ nhật chỉ thích hợp với diện tích rộng và không chịu bóng. Khu vực dưới các tán cây, bàn ghế, không nên trồng cỏ nhật vì dễ bị chết. Nên trồng thay bằng các loại cỏ tre, rau má, chua me đất...Cây bụi cắt xén có thể trồng các loại như mẫu đơn đỏ, hồng và hoặc hoa ngâu. Ngoài ra có thể điểm thêm các loại cây như hoa sưa, tường vi cho khu vườn thêm sinh động.

Giống như sự cân bằng, tính đồng nhất là trọng tâm của nghệ thuật kiến tạo vườn Nhật. Khu vườn phải tạo cho người ngắm một cảm giác đồng nhất, chan hoà và không tách biệt với thiên nhiên. Hình dáng kiến trúc của ngôi nhà và dáng vẻ tự nhiên của khu vườn như hoà quyện được vào nhau. Tính đồng nhất cũng góp phần bổ sung cho khu vườn những dáng vẻ mới, hấp dẫn thể hiện được khoảng trống không và chỗ kín đáo, dự phù du và vĩnh cửu, sự mềm mại và cứng rắn.

Những ngôi nhà với đường nét kiến trúc đơn giản, hài hòa rất phù hợp với phong cách của vườn Nhật. Bản thân gia chủ cũng phải là người có chút hiểu biết về kiểu vườn này vì nếu không sẽ rất khó cho bên thực hiện.

Điều này phải xem xét điều kiện cụ thể ngôi nhà có áp dụng được giải pháp đó không. Làm vườn Nhật không cần diện tích rộng nhưng muốn đẹp đòi hỏi phải có sự tư vấn của kiến trúc sư hoặc có bàn tay chuyên nghiệp của người làm vườn chứ không thể là của những người nghiệp dư.

Còn về vấn đề giá cả thì thiết kế vườn Nhật có chi phí rất vô chừng. Đôi khi chỉ một vài hòn đá, thủy bồn là đã ra dáng vườn Nhật. Nhìn thì có vẻ "rẻ", nhưng để có được chúng, những người thiết kế phải bỏ công đi tìm. Vậy là vấn đề chi phí không nằm ở giá trị thực mà chính là bởi sự sáng tạo.

Với những ngôi nhà ở thành phố có diện tích hẹp nếu khéo xử lý, vài mét vuông trên sân thượng, góc ban công, nơi giếng trời cũng có thể biến thành một mảnh vườn nho nhỏ.

Ngoài ra nếu chủ nhà có diện tích đất càng rộng, tính cách gia chủ càng thoáng đạt thì các kiến trúc sư càng có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Với các ngôi nhà lớn, biệt thự, yêu cầu quy hoạch vườn không còn đơn giản như trước mà đòi hỏi một cái nhìn tổng thể để tạo ra sự hài hoà, cân đối với nhà. Có rất nhiều phong cách khác nhau trong trang trí sân vườn, tuỳ thuộc vào thế đất, kiểu nhà, và đặc biệt vào tính cách của gia chủ.

 
  • 225
  • By Admin
  • 12/12/2012
  • 17