Thị trường trung tâm thương mại: Doanh nghiệp nội tăng tốc
Doanh nghiệp nội tham vọng chiếm lĩnh thị trường
Hòa Bình Green City tại Minh Khai (Hà Nội) vừa đưa vào vận hành 25.000m2 TTTM V+ ở 5 tầng đế tòa nhà trong cuối tháng 1/2015. Đặc biệt, đây là TTTM đầu tiên tại Việt Nam miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp vào thuê. Chi phí để thuê mặt bằng của TTTM này theo ước tính hiện nay khoảng 500 tỷ đồng. Chủ đầu tư của Hòa Bình Green City chia sẻ tham vọng sẽ mở rộng mô hình của V+ lên khắp cả nước.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết: "Thị phần phân phối và bán lẻ tại Việt Nam hiện nay đang bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối. Đặc biệt khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ năm 2015, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt còn gay gắt hơn. Nên chúng tôi miễn phí toàn bộ tiền thuê mặt bằng của TTTM V+ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước".
Thăng Long Number One của chủ đầu tư Viglacera là một TTTM lớn ở cửa ngõ phía Tây thủ đô có diện tích lên tới 11.246m2, trong tháng 2 này, TTTM này dự kiến sẽ lấp đầy khách thuê. Dự án Hồ Gươm Plaza của Công ty May Hồ Gươm ở quận Hà Đông cũng có 6 tầng đế thương mại, tổng diện tích cho thuê của TTTM này vào khoảng 23.000m2, theo chủ đầu tư, trung tâm này đã có những khách hàng lớn đầu tiên đến thuê.
Trên phân khúc bán lẻ, mạnh nhất phải kể đến là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn này vừa gây sốc khi công bố kế hoạch phát triển 25 TTTM Vincom và Vincom MegaMall trong năm 2015 trên toàn quốc. Chủ đầu tư này chia sẻ, cho đến thời điểm hiện tại, con số tỷ lệ cam kết lấp đầy của 25 TTTM sẽ khai trương trong năm 2015 đã đạt tới 70%, đây là mức cam kết kỷ lục trên thị trường bán lẻ Việt Nam, trong kế hoạch này, có các đối tác lớn là BHD, CGV, Golden Gate, Highland Coffee, Vinmart, Vinpro, VinKE, Vinpearl Land, Emigo... tham gia.
Đã có nhiều khách hàng đặt thuê ở dự án Hồ Gươm Plaza |
Tuy nhiên, con số những nhà đầu tư nội tham gia vào phân khúc bán lẻ vẫn chưa dừng lại ở đây. Dự báo của các công ty tư vấn BĐS như CBRE, Savill, cho thấy, trong thời gian tới nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, sẽ có thêm khoảng 800.000m2 mặt bằng bán lẻ từ 24 dự án sẽ gia nhập thị trường trong năm 2015 và 2016, trong đó có không ít dự án cung cấp diện tích lên đến hàng ngàn m2 ra thị trường.
TTTM vẫn sinh lợi cao
Nhiều năm nay, TTTM không còn được nhận định là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư BĐS. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá cho bài toán kinh doanh TTTM. "Hạn" của phân khúc này không chỉ doanh nghiệp trong nước mà kể cả các nhà đầu tư tên tuổi, có tiềm lực, kinh nghiệm vận hành TTTM cũng phải gánh chịu mà vụ việc đóng cửa Parkson Keangnam là một thí dụ tiêu biểu.
Nhiều TTTM lớn như hệ thống của Parkson, Tràng Tiền, Lotte… cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn, ế ẩm khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn phải suy nghĩ trước khi đổ vốn vào đây. Tuy vậy, cũng không ít doanh nghiệp trong nước lại xác định, đây chính là cơ hội không thể bỏ qua của các doanh nghiệp. Thường thì những chủ đầu tư kinh doanh TTTM do định sẵn khối đế tòa nhà là dành cho việc này từ khi khởi công dự án sẽ yên tâm hơn, nhưng ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nội cũng có cái nhìn lạc quan và đầy tự tin khi đánh giá về phân khúc "khó nhằn" này.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, một trong những vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế là đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Vì thế nên phát triển hệ thống phân phối hàng hóa là một trong những điểm mấu chốt. Doanh nghiệp nào nắm được quyền phân phối sẽ chi phối được sản xuất. Do vậy, bán lẻ và hạ tầng thương mại sẽ tiếp tục phát triển và chắc chắn phải nắm lấy cơ hội lớn này.
Tập đoàn Vincom từ nhiều năm trước đã từng bày tỏ tham vọng trở thành ông vua mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam đã cho thấy, việc đẩy mạnh cho phân khúc này là bước đi đã được tập đoàn này tính toán từ lâu. Doanh nghiệp này cũng rất tự tin với những thành công mà mình đã gặt hái trước đó ở phân khúc TTTM.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng phân tích, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế trong nhiều năm qua nhưng thị trường TTTM ở Việt Nam cũng vẫn hội tụ được những điều kiện cần thiết để duy trì mức độ tiêu dùng cao trong dân, như lượng dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm đến 57% tổng dân số, kinh tế tăng trưởng ổn định, xu hướng tiêu dùng cao cấp ngày càng gia tăng do đời sống kinh tế phát triển hơn. Nếu tính trung bình thì mức độ chi tiêu của người dân Việt Nam đã lên đến 70% tổng số thu nhập của mình. Chính đây là mảnh đất màu mỡ cho TTTM và mặt bằng bán lẻ phát triển.
Thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có nhiều tín hiệu khả quan về mặt dài hạn. Theo thống kê này, hiện nay mới chỉ có 15% hàng hóa được lưu chuyển qua các TTTM. Trong thời gian qua đã có nhiều dự án xây dựng nhưng số hoàn thiện được và đưa vào hoạt động lại chậm và ít đi. Thế nên xét về triển vọng cho các TTTM thì vẫn có những tín hiệu khả quan, phân khúc này vẫn có lợi thế thuộc về các mặt bằng có vị trí tốt ở trung tâm, cửa ngõ và đã hoàn thiện bàn giao và đi vào hoạt động trong thời gian qua.
Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp nội vẫn chấp nhận và đẩy mạnh đầu tư mặc cho chi phí xây dựng, vận hành lớn và thách thức trước mắt cực kỳ khốc liệt đến từ thị trường trong nước lẫn các nhà đầu tư lừng lẫy đến từ nước ngoài.
- 0
- By Admin
- 09/02/2015
- 17