Thị trường thép: Giảm giá, sức mua vẫn giảm mạnh
Ảnh: minh họa - Internet |
Dư thừa công suất, tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng, lượng thép tồn kho đến thời điểm này ước tính khoảng 500 nghìn tấn, cộng với lãi suất cao và nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi đó, xuất khẩu lại không thuận lợi như mong đợi đã khiến nhiều doanh nghiệp thép lâm vào khó khăn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lượng thép tồn kho hiện đang ở mức cao, gần 500 nghìn tấn, trong khi bình quân lượng tồn kho ở mức cho phép khoảng 250 nghìn tấn. Đây là số lượng thép tồn lớn hơn mức bình thường. Chính vì vậy, có nhiều nhà máy thép chỉ vận hành 50-60% công suất, thậm chí phải ngừng sản xuất. Theo tính toán của VSA, mức lãi mà các doanh nghiệp thép phải trả đối với lượng hàng tồn kho này khoảng gần 150 tỷ đồng/tháng.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên của ngành thép là do tình hình lạm phát trong nước tăng cao, Chính phủ vẫn phải áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế, trong đó có việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết làm cho thị trường bất động sản năm 2011 đã thực sự rơi vào tình trạng đóng băng.
Bên cạnh đó, những khó khăn mà các doanh nghiệp thép gặp phải là chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, giá than tăng 41% từ đầu tháng 4/2011; giá xăng dầu tăng từ 32 - 43%; giá điện tăng 15,28%. Kể từ đầu năm giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép như quặng sắt, than cốc, phôi thép và thép phế tăng hoặc giữ ở mức giá cao hơn năm 2010 từ 20 - 30%.
Đặc biệt, phải kể đến nguyên nhân đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua là quy hoạch ngành thép bất hợp lý. Hiện nay cả nước có 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, trong đó hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu... là những địa phương tập trung các nhà máy thép nhiều nhất cả nước, còn các địa phương vùng sâu vùng xa cứ có chút mỏ quặng là họ làm thép như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái..., đều có những dự án được cấp phép.
Trong khi sức tiêu thụ thép trong nước ảm đạm, để giải quyết bài toán tồn kho, xuất khẩu là hướng đi mà các doanh nghiệp thép đang tính đến hiện nay.
Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng bây giờ các nhà máy đã có những công nghệ hiện đại, công suất tốt, tiêu hao nhiên vật liệu ít, vì vậy các sản phẩm có tính cạnh tranh, giá thành cũng có thể xuất khẩu được sang Trung Đông, EU, đặc biệt xuất khẩu ống thép sang Mỹ, một thị trường được xem là khó tính.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng không thuận lợi. VSA cho biết, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cảnh báo là có khả năng Hiệp hội thép ống Hoa Kỳ sẽ dùng các biện pháp bảo hộ để kiện vì trong một thời gian ngắn chúng ta đã xuất sang một khối lượng lớn. Hiện, đang có 3 nhà máy sản xuất ống thép có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Indonesia cũng đã gửi đơn kiện chính thức về thép cán nguội của Việt Nam.
Trước những khó khăn trên, VSA đã có 6 kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý những vấn đề cần giải quyết của ngành thép trong những tháng cuối năm 2011. Trong đó, cần khẩn trương chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư các dự án thép ở các địa phương. Kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ đã ban hành.
Hiện các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu đã dư thừa công suất gần gấp đôi so với nhu cầu nên kiên quyết không cấp thêm giấy phép đầu tư ít nhất cho 5 năm tới. Ưu tiên các dự án đầu tư các nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép Việt Nam còn phải nhập khẩu với số lượng lớn như: thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng, thép chế tạo,... để giảm bớt nhập siêu.
Đặc biệt, có biện pháp khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam đang dư thừa sang các nước trong khu vực và thế giới. Những biện pháp đó có thể là giảm thuế VAT cho sản phẩm thép xuất khẩu, ưu đãi thuế xuất khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp thép để có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thép thế giới (bằng các chương trình xúc tiến thương mại).
Chỉ vài năm nữa, tới khoảng năm 2017, mọi chính sách bảo hộ sẽ không còn cho sản xuất thép, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, nếu các công ty thép không nỗ lực đổi mới, chắc chắn sẽ khó tồn tại và phát triển một cách có hiệu quả.
(Theo VnEconomy)
- 216
- By Admin
- 13/09/2011
- 17