• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường tài chính đang bị đe doạ bởi bất động sản

FDI gây lo ngại cho triển vọng kinh tế

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), 6 tháng đầu năm 2011, dòng vốn FDI vào BĐS đã suy giảm mạnh và chỉ còn 305 triệu USD. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong khi đó, năm đỉnh điểm (2008) vốn FDI vào lĩnh vực BĐS lên tới 23,6 tỷ USD. Năm 2010, BĐS cũng trở thành lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất với giá trị 6,84 tỷ USD.

Thị trường tài chính đang bị đe doạ bởi bất động sản | ảnh 1
Thị trường tài chính bị tác động mạnh bởi những dấu hiệu tiêu cực thì thị trường BĐS (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo “Tác động của thị trường BĐS lên thị trường tài chính Việt Nam - những khuyến nghị và chính sách” diễn ra ngày 18/8 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, dấu hiệu suy giảm FDI gây lo ngại về triển vọng kinh tế của Việt nam vì hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá nhiều vào luồng vốn đầu tư từ bên ngoài khi tỷ lệ tiết kiệm nội địa luôn thấp hơn đầu tư trong nhiều năm.

Không chỉ vốn FDI trong lĩnh vực BĐS giảm mà lượng kiều hối cũng đang có biểu hiện đi xuống. Những năm trước, lượng kiều hối tăng mạnh với mức tăng bình quân khoảng 25%/năm. Từ mốc 1,1 tỷ USD năm 2001 đến khoảng 8 tỷ USD trong năm 2010 được chuyển về Việt Nam.

Tuy nhiên, kiều hối trong 6 tháng đầu năm có dấu hiệu giảm (quý I: 2,4 tỷ USD, quý II: 1,9 tỷ USD). Trong khi đó, theo kết quả của một cuộc điều tra được tiến hành với hơn 4.000 hộ gia đình thì phần lớn lượng kiều hối về Việt Nam được dùng để mua nhà đất. Rõ ràng, kiều hối đã góp phần làm tăng dòng tiền vào BĐS trong nước.

Một khía cạnh khác cũng đang phản ánh những tác động khi thị trường BĐS bị siết chặt tín dụng. Một trong những kênh huy động vốn được các doanh nghiệp BĐS trông chờ là cổ phiếu thì hiện thị trường này đang phải chịu tác động trực tiếp của nhiều chính sách vĩ mô.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản trên thị trường sụt giảm mạnh. Tại thời điểm 22/7/2011, giá cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán giảm mạnh, 76,3% cổ phiếu có trị giá dưới giá trị sổ sách kế toán, 48,1% cổ phiếu có giá trị dưới mệnh giá.

Thị trường tài chính đang bị đe doạ bởi bất động sản | ảnh 2
Doanh nghiệp BĐS không thể trông chờ vào kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán (Ảnh minh họa)

Sự suy giảm của thị trường chứng khoán đã tác động lớn tới các doanh nghiệp BĐS (hiện có 58 doanh nghiệp BĐS đã niêm yết trên thị trường chứng khoán). Trong 6 tháng đầu năm, giá trị cổ phiếu của nhóm này giảm từ 50-70% - gây hạn chế cho doanh nghiệp trong huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…

Nguy cơ “vừa lạm phát vừa đình đốn”

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, ở các nước phát triển, nếu đầu tư vào lĩnh vực BĐS tăng lên 1USD sẽ thúc đẩy các ngành có liên quan của nền kinh tế phát triển từ 1,5-2 USD, nếu xây dựng 1m2 nhà ở cần từ 17-25 công lao động, chưa kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Rồi mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho công tác quản lý vận hành…

Điều đó cho thấy những biến động của thị trường BĐS sẽ tác động lên nhiều thị trường khác, trong đó đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng dự báo: “Kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn nếu tiếp tục duy trì thắt chặt tiền tệ hà khắc như hiện nay. Điều này có thể dẫn tới tình trạng kinh tế “vừa lạm phát, vừa đình đốn”.

Trong điều kiện đó, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà đất thực sự đang nghe ngóng, chờ đợi. Chính yếu tố này càng làm hạn chế dòng tiền vào BĐS  và thị trường tiếp tục ảm đạm. Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, xu hướng thị trường trong ngắn hạn còn bi quan hơn những gì đang diễn ra.

Chính vì vậy, để thị trường vượt qua những khó khăn hiện tại, từng bước tác động tích cực lên thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô nói chung, ông Nghĩa đề xuất nhất thiết phải có sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân với hệ thống đồng bộ.

Trong đó, chính sách tiền tệ cần được vận hành chặt chẽ, linh hoạt, nhất quán, có kế hoạch phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng. Hoàn thiện các chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước chứ không chỉ dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng bổ sung thêm, cần có quy định để đảm bảo vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được đầu tư theo số vốn đăng ký, như quy định tỷ lệ hoàn thành công trình cao hơn mới được huy động vốn.!

(Theo Dantri)

  • 234
  • By Admin
  • 19/08/2011
  • 17