Thị trường nhà đất Bình Dương thiếu vắng dự án mới
Doanh nghiệp không triển khai dự án mới
Theo đánh giá của các sàn giao dịch tại Bình Dương, thị trường này chủ yếu vẫn tập trung vào phân khúc đất nền và nhà xây sẵn. So với căn hộ chung cư thì hai phân khúc này có giao dịch và thanh khoản tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là loại hình nhà phố thương mại hay nhà ở xã hội rất được khách hàng ưa chuộng.
Ông Hoàng Thành Nhân – Giám đốc sàn Kim Oanh Bình Dương cũng cho biết: “Tâm lý chung của người dân Việt Nam, nhất là người lao động phổ thông thường thích mua đất xây nhà, hoặc mua nhà phải kèm theo đất, tức loại hình nhà xây sẵn. Điểm thuận lợi của thị trường Bình Dương chính là so với mặt bằng chung của thị trường BĐS thì đất nền tại Bình Dương còn rẻ, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người lao động, người trẻ lập nghiệp, chiếm khoảng 85% dân số tại đây. Với số tiền tích góp khoảng 250 – 400 triệu đồng khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn một nền đất từ 100m2 đến 150m2 tại vị trí dân sinh đông đúc và đầy đủ các tiện ích xã hội như nhà ở, bệnh viện, trường học. Vì thế, phân khúc đất nền và nhà phố hiển nhiên sẽ là lựa chọn đầu tiên của người dân hay kể cả nhà đầu tư mua đi bán lại”.
Thị trường nhà đất Bình Dương cuối năm vẫn im ắng do thiếu nguồn cung dự án mới. Ảnh: diaockimoanh |
Mặc dù vậy nhưng trong những tháng cuối năm, các chủ đầu tư lại không mấy tập trung vào việc phát huy lợi thế của thị trường này. Nếu đầu năm 2015, thị trường BĐS Bình Dương liên tục sôi động tại các phân khúc căn hộ trung bình, nhà ở xã hội, đặc biệt là đất nền thì thời điểm này, thị trường BĐS lại trở nên yên ắng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm Bình Dương nổi lên với những dự án như Hòa Lợi, Rich Home, Hiệp Phát, Phú Hòa… nhưng bước vào quý IV năm nay, gần như không có dự án mới nào được triển khai trên thị trường ngoài một số dự án đất nền nhỏ lẻ. Khu vực thành phố mới, Mỹ Phước và Bầu Bàn cũng gần như cũng không có dự án lớn nào.
Được biết, trong khoảng thời gian từ nay đến đầu quý I/2016, hầu hết các CĐT và sàn giao dịch sẽ chỉ tập trung giải quyết những sản phẩm lẻ tồn kho và không tung ra thị trường sản phẩm mới ngoại trừ một vài doanh nghiệp ấp ủ bung hàng đầu năm. Ông Hoàng Thành Nhân cho biết: “Sau thành công của dự án Rich Home 1 và Rich Home 2, Kim Oanh cũng đang có ý định cho ra đời Rich Home 3. Ngoài ra, theo kế hoạch thì đầu năm 2016, chúng tôi sẽ triển khai dự án mới, nhưng thời gian cụ thể vẫn chưa được quyết định vì cần cân nhắc những yếu tố liên quan khác”.
Nguyên nhân vì đâu?
Dễ dàng nhận thấy, cùng với đà hồi phục chung của thị trường cả nước, BĐS Bình Dương năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2014. Tuy nhiên, nhịp độ duy trì đà tăng trưởng lại không ổn định bởi nhiều nguyên do như giá bán căn hộ tăng chậm, lợi nhuận không cao, hay quỹ đất khu vực trung tâm đã không còn để triển khai dự án mới…
Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, từ quý I đến quý IV năm nay, giá nhà đất tại Bình Dương đã tăng trung bình từ 10% – 15%, tùy theo vị trí và từng phân khúc, có những vị trí tăng khoảng 5% - 10%, cá biệt có những vị trí tăng đến 20%, nhưng phần lớn là biến động về giá đất nền, còn giá căn hộ hầu như không thay đổi.
Ông Vũ Trọng Minh – CTHĐQT Công ty xây dựng và kinh doanh BĐS Phương Anh cũng cho rằng: “Thực tế, căn hộ ở Bình Dương có thanh khoản tốt chỉ tập trung ở những dự án nhà ở xã hội có vị trí tại khu trung tâm, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, được hỗ trợ gói 30.000 tỷ do phù hợp với số tiền tích góp của người dân; còn lại, những dự án cách xa trung tâm thì thanh khoản không cao. Xét tổng thể thì giá căn hộ ở Bình Dương tăng chậm, mức tăng thấp hay gần như không tăng giá được. Nếu tính mức tăng giá trung bình của tất cả các phân khúc BĐS tại Bình Dương thì chỉ tăng 5% - 8% trong 11 tháng vừa qua”.
Trong khi đó, cũng có một số ý kiến cho rằng có những dự án gắn mác là nhà ở xã hội nhưng giá dao động từ 18 – 20 triệu/m2 thì thanh khoản không tốt và thật sự không đạt được kỳ vọng của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, luật kinh doanh BĐS mới ra đời bắt buộc doanh nghiệp phải có một khoản vốn điều lệ theo quy định hiện hành, nghĩa là đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính thì mới có thể triển khai dự án, trong khi đó thanh khoản không tốt sẽ khiến chủ đầu tư gặp khó khăn khi muốn xoay vòng vốn và hiển nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho chu kỳ kế tiếp vào thị trường này.
Ông Vũ Trọng Minh cũng cho biết: “Một lý do nữa khiến các chủ đầu tư không thể liều lĩnh triển khai dự án mới tại Bình Dương là quỹ đất tại trung tâm đã không còn. Những khu vực cách trung tâm 20 - 30 km thì quỹ đất còn nhiều, tập trung nhiều dự án lớn nhưng thanh khoản lại không có. Điển hình như khu vực Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 hoặc thành phố mới có những dự án lớn bị đóng băng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trì trệ, những khu dịch vụ tiện ích, hệ thống giao thông kết nối với Tp.HCM không đủ lớn để thu hút được người dân ở những nơi khác đến đây cũng khiến các nhà đầu tư không mặn mà với việc phát triển những dự án mới tại Bình Dương.
Diệp Tuyền
(Theo Tuổi trẻ online)
- 0
- By Admin
- 23/12/2015
- 17