• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường mặt bằng bán lẻ: Khách hàng có thêm nhiều lựa chọn

Tiềm năng thị trường bán lẻ

Theo dự báo của Cty Taylor Nelson Sofres Việt Nam, từ nay đến năm 2014, doanh số bán lẻ của nước ta có thể tăng khoảng 23%/năm. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nếu như trong hai năm 2008 - 2009, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 15% thị phần thì năm 2010, con số này đã tăng lên 17%. Đến đầu quý II năm nay, thị phần bán lẻ hiện đại đã tăng lên 21%. Không chỉ tăng về thị phần, số điểm bán lẻ cũng tăng lên nhanh chóng.

Theo nhận định của các chuyên gia, cả trong ngắn hạn và dài hạn, lĩnh vực bán lẻ Việt Nam vẫn được xem là có nhiều tiềm năng trong khu vực. Nguyên nhân là bởi, Việt Nam có 86 triệu dân, trong số đó có đến 68% là có độ tuổi dưới 40. Đây là một chỉ số vàng hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ hai, GDP bình quân đầu người liên tục tăng cao trong thời gian gần đây tại các TP lớn. Và một nguyên nhân không thể không nói đến, đó là thói quen mua sắm tại các trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại đang dần thay đổi.

Nguồn cung tăng, giá giảm

Theo lộ trình cam kết mở cửa thị trường bán lẻ khi Việt Nam gia nhập WTO, DN nước ngoài được phép liên doanh bán lẻ trong nước không hạn chế mức góp vốn. Vì thế, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà bán lẻ lớn trên thế giới gia nhập thị trường. Điều đó cũng có nghĩa, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ hiện đại ngày càng gia tăng.

Những yếu tố tiềm năng trên đã khiến thị trường mặt bằng bán lẻ luôn diễn ra sôi động. Theo tính toán, mặc dù nguồn cung mặt bằng bán lẻ khá dồi dào trong thời gian qua nhưng tỷ lệ diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và Tp.HCM/đầu người so với một số TP trong khu vực châu Á vẫn rất thấp. Việt Nam đang tồn tại 3 loại hình mặt bằng bán lẻ cơ bản là chợ truyền thống, loại hình cửa hàng mặt phố và các TTTM hiện đại, đại siêu thị lớn. Tại TP lớn như Hà Nội, nhu cầu mặt bằng bán lẻ thường rất cao. Trong khi đó nguồn cung hiện tại còn hạn chế với tổng diện tích chỉ khoảng 117 nghìn m2.

Tuy nhiên, theo nhận định của Cty CBRE Việt Nam, trong thời gian tới, nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục dồi dào, hơn hẳn số lượng các nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Cũng theo thống kê từ đơn vị này, từ nay đến cuối năm ước tính có khoảng 347 nghìn m2 sàn bán lẻ đi vào hoạt động như khu chợ hàng Da với hơn 9 nghìn m2 sàn, Landmark 97 nghìn m2, Savico MegaMall gần 65 nghìn m2… Đây là mức tăng rất mạnh so với nguồn cung hiện tại chỉ có 117 nghìn m2. Do đó, tỷ lệ mặt bằng trống sẽ nhiều lên, và giá cũng sẽ giảm xuống. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong vòng 2 năm tiếp theo với nhiều dự án BĐS lớn đưa vào hoạt động. Ước tính đến năm 2014 tổng số nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại 2 TP lớn lên đến con số 3 triệu m2 sàn (không bao gồm các siêu thị lớn, đại siêu thị như Big C, Metro). Chính vì thế, trong một vài năm tới thị trường này sẽ có mức phân hóa rất mạnh giữa các TTTM thành công và các dự án TTTM không thành công. Nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi tìm kiếm mặt bằng.

(Theo Báo Xây dựng)

  • 0
  • By Admin
  • 15/09/2011
  • 17