• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường khó khăn, chủ đầu tư trả nhà thay tiền

Thị trường khó khăn, chủ đầu tư trả nhà thay tiền | ảnh 1
“Việc nhận nhà thay tiền chỉ có thể áp dụng đối với những nhà thầu có tiềm lực tài chính”, ông Bùi Tiến Thắng, Sacomreal, nhận xét.

Anh Phan Minh Sơn, Giám đốc Kinh doanh một công ty chuyên cung cấp ống nước ở quận Bình Thạnh (Tp.HCM), cho biết công ty anh nhận cung cấp hệ thống ống nước cho một dự án căn hộ ở quận 2 (Tp.HCM). Công trình đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chịu thanh toán tiền. Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chủ đầu tư thừa nhận không đủ tiền mặt để thanh toán cho các đối tác cũng như nhà thầu xây dựng. Nếu công ty của anh Sơn chấp nhận, thay vì trả tiền, họ sẽ thanh toán bằng hình thức trả căn hộ với giá trị tương đương. Ban Giám đốc Công ty của anh Sơn vẫn chưa quyết định, vì nếu nhận căn hộ thì không biết có bán được không, còn nếu không nhận, không biết bao giờ chủ đầu tư mới trả tiền.

Trả nhà thay tiền

Ông Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons), vốn là nhà thầu lớn cho nhiều dự án bất động sản, cho biết Coteccons cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị tương tự nhưng Công ty vẫn chưa đồng ý.

Một số công ty khác thì lại chấp nhận. Dự án Era Town (quận 7, Tp.HCM) là một ví dụ. Dự án này do Công ty Cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình. Thay vì trả tiền mặt cho nhà thầu, chủ đầu tư Era Town chia lại một block chung cư với 240 căn hộ cho nhà thầu. Theo thông tin từ Hòa Bình, cuối tháng 5 vừa qua, công ty này đã công bố bán số căn hộ trên. Đầu tiên là bán với giá ưu đãi cho nhân viên và sau đó là bán ra thị trường. Công ty này cho biết đến nay đã bán được 160 căn.

Một dự án khác là Hoàng Kim Thế Gia ở quận Bình Tân (Tp.HCM). Dự án này đầu tiên do Công ty Vĩnh Phong Thái làm chủ đầu tư, nhưng sau đó lại hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Xây dựng Phước Thành. Theo đó, Phước Thành sẽ nhận thầu xây dựng và được chia lại bằng căn hộ.

Theo ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), đây là một phương thức hợp tác linh hoạt trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để thương thảo thành công với đối tác cũng không phải là chuyện dễ dàng, vì đối tác cũng phải cân nhắc bài toán đầu ra cho sản phẩm và khả năng tài chính của mình. “Nhận nhà thay tiền chỉ có thể áp dụng đối với những nhà thầu có tiềm lực tài chính. Họ có thể xem việc nhận nhà như một tài sản để dành. Ngoài ra, cũng là để chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư”, ông nói.

Trong khi đó, ở góc độ là nhà thầu xây dựng, ông Dương, Coteccons, cho rằng việc nhận nhà thay tiền không phải là giải pháp hay cho các nhà thầu. Theo ông, đa số các doanh nghiệp xây dựng không có chức năng kinh doanh nhà. Muốn bán số nhà này thì nhà thầu cũng phải bán qua chủ đầu tư hoặc một sàn giao dịch khác.

Một chuyên gia bất động sản (không muốn nêu tên) cũng đồng tình rằng trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay, việc nhận nhà thay tiền, đối với các nhà thầu, chẳng khác nào ôm cục nợ về phần mình. Thực tế cho thấy, có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản từng mua bán căn hộ theo hình thức mua sỉ với giá rẻ hơn khoảng 5-15%, thậm chí 20% so với giá thị trường, nhưng đến nay vẫn không thể giải phóng được hết hàng.

Liên kết để giảm giá

Thay vì đề nghị đối tác nhận nhà thay tiền, một số doanh nghiệp bất động sản đang tìm cách giảm giá thành căn hộ bằng hình thức hợp tác chiến lược, liên kết với các nhà thầu xây dựng.

Một trong những doanh nghiệp đi tiên phong là Sacomreal. Cuối tháng 7/2011, Sacomreal đã ký hợp tác chiến lược với 8 doanh nghiệp trong ngành xây dựng là Công ty Sứ Inax Việt Nam, Thép Pomina, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thương mại Đồng Tâm, Công ty Xây dựng Lê Phan, Công ty Cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát, Công ty Bốn Phương.

Theo đó, Sacomreal sẽ được các đối tác cung cấp tất cả sản phẩm và dịch vụ, từ khâu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng đến cung ứng nguyên vật liệu trong suốt quá trình phát triển dự án với mức giá tốt và thanh toán theo tiến độ thực hiện dự án. Đổi lại, các công ty trên sẽ thực hiện các dự án của Sacomreal là Belleza (quận 7), Carillon (quận Tân Bình), Sacomreal Hùng Vương (quận 6).

“Việc hợp tác xây dựng theo một quy trình khép kín là điều kiện để chúng tôi bảo đảm tiến độ thực hiện và chất lượng dự án. Ngoài ra, còn giúp tiết kiệm 10-20% chi phí dự án. Như vậy, giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn”, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacomreal, cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Địa ốc Đất Lành, giải pháp để có sản phẩm chung cư giá cạnh tranh là chủ đầu tư phải tiết kiệm tối đa. Thay vì giao khoán công trình cho nhà thầu chính, doanh nghiệp đứng ra làm tổng thầu. Từ đó, chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc những gói thầu nào cần thuê nhà thầu phụ, gói thầu nào tự làm.

“Nếu quản lý tốt vật tư, tự thi công một phần hoặc sản xuất một số cấu kiện, giá thành căn hộ sẽ giảm được 500.000 đồng/m2. Triển khai một cụm 5 block chung cư cùng lúc cũng sẽ giảm đến 65% chi phí cọc bê tông. Việc thiết kế diện tích phòng ốc, cấu kiện bê tông hợp lý có thể giảm được 30% chi phí bê tông. Như vậy, sẽ giảm giá thành được 1 triệu đồng/m2”, ông Đực cho biết.

(Theo NCĐT)

  • 0
  • By Admin
  • 17/08/2011
  • 17