• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường khách sạn giá rẻ tại châu Á lên ngôi


Thị trường khách sạn giá rẻ tại châu Á lên ngôi | ảnh 1
Khách sạn Premier Inn New Delhi ở Ấn Độ của công ty Anh Whitbread - Ảnh: Tripadvisor

Đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế ở châu Âu và Mỹ cũng như cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương ở Trung Quốc trong việc xây dựng khách sạn - thị trường khách sạn đang phát triển nhanh nhất thế giới, các chủ khách sạn toàn cầu nhìn thấy một “cửa sổ” cơ hội ở Ấn Độ và Indonesia.  

Whitbread, công ty quản lý chuỗi khách sạn lớn nhất Anh Premier Inn, vừa khai trương những khách sạn giá rẻ đầu tiên ở Ấn Độ và đang xem xét xây dựng khách sạn ở Indonesia.

“Nhờ sự non nớt của thị trường và khan hiếm nguồn cung nên có chỗ cho tất cả chúng ta phát triển”, Aly Shariff, giám đốc quản lý ở Ấn Độ của Premier Inn, phát biểu.
Các chủ khách sạn như Accor - tập đoàn khách sạn lớn nhất châu Âu, InterContinental, Marriott và Louvre của Tập đoàn đầu tư Mỹ Starwood Capital đang hi vọng lợi thế “người đi sớm” sẽ giúp họ xây dựng các thương hiệu khách sạn giá rẻ có lợi nhuận. Nhưng việc đó không hề đơn giản do các rào cản pháp lý, môi trường kinh doanh phức tạp, thiếu kinh nghiệm nhượng quyền thương mại và hứa hẹn thành công sẽ chỉ tăng tính cạnh tranh.

Tại Ấn Độ, khái niệm khách sạn bậc trung có thương hiệu, nơi phòng giá từ 40-80 USD/đêm, còn trong giai đoạn sơ khai, trong khi tại Indonesia các chủ khách sạn quốc tế khác đang biết đến một khu vực đi tiên phong bởi các công ty địa phương và Tập đoàn Accor.

“Có một nhu cầu thật sự về khách sạn giá rẻ ở hầu hết các nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Tập đoàn InterContinental làm tốt ở Trung Quốc nhưng Accor lại có vị trí tốt hơn đối thủ của mình ở những nơi khác - nhà phân tích Matthias Desmarais của Công ty đầu tư Exane BNP Paribas (Pháp) cho biết - Chiến lược của Tập đoàn Accor vì thế rất thích hợp nhưng nó sẽ không sinh lợi ngay, đúng hơn là khoảng năm 2015”.

Cùng lúc củng cố sự hiện diện của mình ở châu Á, Accor đang bán các khách sạn giá rẻ tại Mỹ. Khi chủ tịch Tập đoàn Accor Denis Hennequin thông báo hợp đồng 1,9 tỉ USD tháng trước, ông cho biết số tiền này sẽ giúp phát triển khách sạn ở châu Á, Mỹ Latin và châu Âu.


Xây dựng hàng loạt

Thị trường khách sạn giá rẻ tại châu Á lên ngôi | ảnh 2
Khách sạn Keys Hotels Nestor của Công ty Tata ở Ấn Độ - Ảnh: Realadventures

STR Global, nhà cung cấp dữ liệu hàng đầu của ngành khách sạn, cho biết Trung Quốc sẽ chiếm 56% của khoảng 410.000 phòng khách sạn đang được xây dựng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thành viên G20 Ấn Độ được dự kiến sẽ chiếm 18% và Indonesia 6% (khoảng 40% là khách sạn bậc trung hay giá rẻ).

Trong thập kỷ tới, Công ty tư vấn khách sạn toàn cầu HVS ước tính Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, sẽ cần nhiều hơn 25 tỉ USD để xây 180.000 phòng khách sạn mới.

Khoảng 2/3 trong số này sẽ là phòng giá rẻ vì các chuỗi khách sạn nhắm vào khách du lịch nội địa, nhóm khách được ghi nhận tăng gấp đôi chi tiêu lên khoảng 160 tỉ USD.

Nhóm khách trọng tâm cũng như vậy tại Indonesia, nước đông dân thứ tư thế giới, nơi có 122 triệu khách du lịch trong nước so với 7 triệu khách nước ngoài năm ngoái.

"Về lâu dài, đầu tư vào khách sạn hạng trung có khả năng đem lại lợi nhuận hơn 20% trên tiền vốn” - Gary Garrabrant, giám đốc điều hành của Công ty Equity International, cho biết. Công ty này vừa đầu tư 75 triệu USD vào Công ty khách sạn Ấn Độ Samhi để xây dựng các khách sạn Marriott hạng trung.


Không kiểu cách

Thị trường khách sạn giá rẻ tại châu Á lên ngôi | ảnh 3
Khách sạn Pop! của Công ty Tauzia.ở Indonesia - Ảnh: Tauzia.com

Khách sạn giá rẻ có thể được ví như những nhà hàng McDonald của thế giới khách sạn - chuỗi khách sạn giống nhau với nội thất màu sắc hiện đại và phòng tắm cơ bản. Tuy nhiên, chúng là một bước tiến so với kiểu khách sạn nhỏ lẻ phổ biến trên khắp châu Á và sẽ được các dòng khách du lịch mới của châu Á ưa thích.

"Những khách sạn này cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn - cô Chatarina Maharani, 27 tuổi, nhân viên Công ty thương mại toàn cầu Glencore chi nhánh tại Jakarta, cho biết - Tôi tìm kiếm các khách sạn nhỏ mới có mức giá rẻ. Tôi chỉ dùng chúng để ngủ và tắm nên không cần bất cứ thứ gì hào nhoáng". Chatarina Maharani muốn một nơi sạch sẽ hơn nhà trọ cho khách balô và có Internet không dây mà ngân sách 50 USD của cô có thể chi trả.  

Việc gia tăng các hãng hàng không giá rẻ là yếu tố tác động chủ yếu đến sự tăng trưởng của các chuỗi khách sạn giá rẻ. Các hãng vận chuyển giá rẻ phục vụ Indonesia, như AirAsia, Lion Air, sẽ bổ sung hơn 1 triệu chỗ ngồi trong năm nay. Còn ở Ấn Độ, các nhà khai thác giá rẻ như SpiceJet và Indigo Airlines vừa đặt hàng 250 máy bay trong những tháng gần đây.

Khách sạn giá rẻ đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì một khối phòng đơn giản cần chi phí đất thấp hơn, trong khi một khách sạn sang trọng đòi hỏi phải có thêm không gian cho sảnh lớn, bể bơi và phòng hội thảo.

“Một khách sạn giá rẻ tốn 25.000 USD để xây một phòng, đem lại lợi nhuận trên vốn đầu tư trong vòng 4-5 năm, so với 500.000 USD cho mỗi phòng của một khách sạn sang trọng mà phải mất 8-10 năm mới có thể thu lại lợi nhuận” - ông Ruben Beda Kulle, giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn khách sạn Đông Nam Á Aston, cho biết. Aston có kế hoạch mở 29 khách sạn giá rẻ ở Indonesia dưới thương hiệu Fave.


Rào cản

Tuy nhiên, việc mua đất ở Ấn Độ và Indonesia có thể gặp khó khăn do quyền sở hữu bị phân chia hoặc giới hạn về đầu tư nước ngoài và việc cấp giấy phép phức tạp sẽ làm chậm trễ một số dự án. Cả hai nước đều được biết đến với những thay đổi chính sách khi các nhà lãnh đạo dao động giữa việc cố gắng khuyến khích các công ty nước ngoài và bảo vệ quyền lợi trong nước, và bộ máy quan liêu cồng kềnh - một sự kết hợp gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

“Thời gian để xây một khách sạn ở Ấn Độ lâu hơn các nơi khác trên thế giới vì sự kết hợp các lý do như quá trình cấp giấy phép tốn nhiều thời gian, chi phí huy động vốn cao và thiếu chuyên môn quản lý dự án và thi công - Paul Logan, phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển ở châu Á, Trung Đông và châu Phi của tập đoàn InterContinental, cho biết - Ở những nơi khác, phần lớn danh mục đầu tư của chúng tôi được nhượng quyền thương mại”.

Các chủ khách sạn toàn cầu cũng sẽ phải cạnh tranh với các “cầu thủ” địa phương như Indian Hotels Co Ginger, Lemon Tree và Keys Hotels ở Ấn Độ, Pop! ở Indonesia.


(Theo TTO)

  • 145
  • By Admin
  • 03/08/2012
  • 17