Thị trường gạch nội đang kêu cứu
Phần lớn các loại gạch ốp lát trên thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong ảnh: chọn mua gạch ốp lát tại một cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, Tp.HCM (Ảnh: M.Đức) |
Gạch ốp lát có xuất xứ từ TQ hiện nay tràn ngập không chỉ ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội... mà còn thâm nhập cả các vùng thôn quê.
Giá nào cũng có
Khảo sát trên thị trường Hà Nội hiện nay, các loại gạch ốp lát của TQ chủ yếu là gạch granite, ceramic lát nền loại lớn kích thước 60x60cm, 80x80cm hoặc gạch ốp tường, nhà vệ sinh kích cỡ 30x45cm, 30x60cm. Chỉ cần nhìn vào chủng loại gạch TQ đang bày bán, khách hàng sẽ phải... chóng mặt vì kiểu dáng và màu sắc của gạch TQ quá phong phú, đa dạng.
Nhập khẩu chính ngạch sẽ vượt 100 triệu USD
Theo VIBCA, năm 2009 tổng kim ngạch nhập khẩu gạch ốp lát các loại khoảng 70 triệu USD, trong đó nhập từ TQ đến 51 triệu USD. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu gạch ốp lát vào thị trường VN lên tới 95,5 triệu USD, trong đó 76 triệu USD là nhập từ TQ. Năm 2011, VIBCA cho rằng lượng gạch ốp lát nhập khẩu từ TQ có khả năng vượt 100 triệu USD. |
Thịnh hành nhất hiện nay là loại gạch granite vân loang sáng màu, vân màu đá, màu tối, vân giả cổ, loại có hoa văn nhân tạo (như vân giả gỗ), vàng kem như màu lông gà con hoặc hơi nâu... Chị Nguyệt, nhân viên bán hàng tại cửa hàng Khương Tuấn (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), cho biết giá gạch ốp lát TQ bình thường từ 180.000-260.000 đồng/m2, loại đắt hơn khoảng 400.000-500.000 đồng/m2... tùy loại và mẫu mã.
So với gạch sản xuất trong nước, giá gạch TQ rẻ hơn 20.000-50.000 đồng/m2 (tùy loại, kích thước).
Theo một số người kinh doanh ở Hà Nội, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, chất lượng chấp nhận và giá rẻ hơn hàng trong nước là những lý do chính để người tiêu dùng chọn mua các loại gạch xuất xứ từ TQ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhập gạch TQ vào VN nhiều hơn để kinh doanh, trong đó không ít được nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)... trốn thuế nên giá càng rẻ hơn.
Gạch ốp lát TQ tại thị trường Tp.HCM cũng phong phú không kém Hà Nội. Chị Nguyệt Hồng, chủ cửa hàng Hồng Anh (đường Tô Hiến Thành, Q.10), cho hay nếu có mười người khách vào tiệm hỏi mua gạch thì có đến tám người chọn mua gạch của TQ chỉ vì “giá mềm, lại nhiều kiểu, tha hồ chọn”.
Ông Nguyễn Long, phụ trách vật tư Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Q.Tân Bình), cho rằng nếu so sánh trực tiếp mẫu gạch granite loại 60x60cm của hãng T. với gạch TQ thì “màu hàng sản xuất trong nước không đẹp, không bóng cũng không sáng, trong khi gạch của TQ nhìn bắt mắt và nước màu rất sống động”. Chưa kể mức giá của gạch TQ khá mềm khi các loại gạch phổ biến chỉ dao động 160.000-170.000 đồng/m2, trong khi gạch trong nước từ trên 180.000 đồng/m2.
Ông V., một nhà thầu xây dựng, cho biết ngay cả khi chọn gạch cho các công trình tương đối lớn, nhiều chủ đầu tư khi được giới thiệu cũng đều chọn hàng từ TQ chỉ vì yếu tố thẩm mỹ.
Trong khi đó, giới “đánh” gạch TQ nhập khẩu cho biết khi hàng về đến VN, bao bì bên ngoài của gạch TQ đều bị lột hết. Thay vào đó, tên của đơn vị nhập hàng sẽ được viết tắt và dán trên góc của thùng hàng để các cửa hàng lấy bán dễ dàng phân biệt nguồn cung.
Nhiều nhà thầu còn khẳng định nếu biết “tận lò” của các đầu mối nhập gạch TQ, có thể lấy được giá rẻ hơn giá bán lẻ ngoài thị trường 20.000-30.000 đồng/m2 vì không phải qua nhiều khâu bán lẻ trung gian.
Gạch Trung Quốc được bày bán tràn ngập trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội |
Gạch nội... ngắc ngoải
Theo ông Đinh Quang Huy - chủ tịch VIBCA, ngoài việc đầu ra thị trường vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đóng băng, tình trạng gạch ốp lát TQ nhập lậu, gian lận thương mại, trốn thuế qua đường biển, biên mậu là nguyên nhân “góp phần làm thị trường tiêu thụ lẫn các nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước lâm vào tình thế khó khăn nhất từ trước đến nay”.
Ngoài mức tồn kho các sản phẩm gạch ốp lát được VIBCA ghi nhận xấp xỉ gần 30 triệu m2 (tính đến cuối tháng 10/2011), ông Huy cho biết lượng gạch granite lẫn ceramic tiêu thụ trong năm 2011 ước chỉ bằng 70% lượng gạch này đã sản xuất trong năm 2010, tương ứng khoảng 217 triệu m2. Nếu so với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát các loại trong cả nước lên đến hơn 400 triệu m2/năm, con số tiêu thụ dự kiến nói trên quả là rất thấp.
Theo nhận định của ông Huy, gian lận thương mại phổ biến nhất hiện nay xuất hiện dưới hình thức doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình hóa đơn mua hàng từ TQ với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế từ 50-70%, kê khai số lượng nhập khẩu ít hơn số lượng thực tế, sử dụng hóa đơn quay vòng và hợp thức hóa việc thông quan nấp dưới hình thức “cho nhu cầu sử dụng”.
Chính vì vậy, dù thuế suất nhập khẩu gạch từ TQ theo đường chính ngạch đang ở mức 25% (hoặc hơn, tùy mã hàng) nhưng do khai báo quá thấp, thuế nhập khẩu mà Nhà nước thu về chẳng đáng là bao trên giá trị... khai khống của doanh nghiệp nhập khẩu. “Việc gian lận thương mại này diễn ra liên tục nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Điều này làm ngành gạch ốp lát trong nước ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản” - ông Huy bức xúc.
Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VIBCA kiến nghị đưa mặt hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ TQ vào danh mục rủi ro và áp giá thuế tính trên mét vuông, theo từng loại kích thước. Cụ thể áp ở mức từ 5-12 USD/m2 đối với gạch ceramic tráng men mã số HS 6908, từ 5-13 USD/m2 đối với gạch ceramic mài bóng hoặc giả cổ mã số HS 6907.
Còn hiện nay, việc tính thuế chỉ dựa theo hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp nhập khẩu nên phần lớn doanh nghiệp đều kê khai giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế để “né” thuế.
(Theo TTO)
- 209
- By Admin
- 21/11/2011
- 17