Thị trường đóng băng: nhà bình dân thay nhà cao cấp?
Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, thị trường BĐS thời gian tới sẽ hồi phục?
Nhà đầu tư căn hộ cao cấp bỏ chạy
Liên tục nhiều tháng qua, tình hình giao dịch BĐS gần như ngưng trệ. Các giao dịch thành công chiếm chưa tới 2% số lượng đưa ra chào bán. Lợi nhuận thu vào hầu như không đáng kể. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chi tiêu để duy trì sự vận hành.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản vì khó khăn về vốn. Hầu hết doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lãi hoặc chịu lỗ một phần. Để cầm cự, thậm chí một số doanh nghiệp tìm cách lách luật để duy trì sự tồn tại, kể cả sang nhượng dự án dù theo luật, điều này không được phép.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình cho biết, một số dự án của Thanh Bình đầu tư ở mức 9-10 triệu đồng/m2, nay bán lại cũng chỉ với giá 10 triệu đồng nhưng người mua vẫn eo xèo. Đến nay, công ty này đã lỗ khoảng 20-30% tổng giá trị tài sản so với trước khi xảy ra tình trạng nóng sốt. Đấy là chưa kể mỗi tháng, Thanh Bình phải chi từ 1-3% giá trị dự án để duy trì sự tồn tại.
Theo ông, nếu tình trạng đóng băng của thị trường địa ốc tiếp tục kéo dài, con số lỗ sẽ không dừng lại ở đó.
Thông tin trong giới kinh doanh địa ốc cho biết, đến thời điểm này, do không có khả năng thanh toán lãi suất khi ngân hàng đáo hạn, một số người đầu cơ các căn hộ đã bắt đầu bán tháo chạy.
Chưa biết tháo chạy có thoát hay không nhưng nếu không còn khả năng thanh toán khi lãi suất ngân hàng đã lên đến 20-24%, cũng là một khó khăn lớn cho cả ngân hàng và chủ đầu tư dự án.
Giải pháp: Phát triển dự án căn hộ bình dân
Theo nhận định các chuyên gia BĐS, nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian qua, số lượng các dự án nhà ở được cấp phép xây dựng quá ít so với nhu cầu thực tế. Chênh lệch cung cầu quá lớn, các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng các khu dân cư cao cấp để thu được lợi nhuận tối đa. Điều này đã vô tình đẩy những người thu nhập thấp vào chỗ khó khăn về nhà ở.
Chịu tác động lớn nhất của tình trạng nóng sốt và đóng băng thị trường BĐS thời gian qua là các dự án căn hộ cao cấp, diện tích lớn hơn và giá quá cao so với căn hộ nhỏ, bình dân. Thế nên, mặc dù nhiều doanh nghiệp và NĐT địa ốc đang lao đao vì tình trạng đóng băng hiện nay nhưng phần đông dân chúng đang sinh sống trên địa bàn thành phố vẫn không thể mua được nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, những đối tượng là người độc thân, mới kết hôn, thậm chí ly hôn, sinh viên mới ra trường, người già... hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM rất đông. Phần đông họ có nhu cầu về nhà ở là một chỗ đàng hoàng với tiện nghi tối thiểu, diện tích khoảng 25-40m2 là đủ. Khi có điều kiện, họ sẽ thay đổi nơi ở mới tốt hơn.
Trên thực tế, hiện số người đang phải thuê nhà/phòng trọ và sống chật chội, nhếch nhác tại TP.HCM rất lớn. Vì vậy, theo ông Châu, việc phát triển thị trường căn hộ diện tích nhỏ sẽ giúp người có mức thu nhập trung bình, thấp giải quyết ổn thoả vấn đề nhà ở.
Người đưa ra ý tưởng về mô hình căn hộ diện tích nhỏ, ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết, theo khảo sát của công ty này, hiện TP.HCM có khoảng 60-70% người lao động tại TP.HCM có nhu cầu về nhà ở và có khả năng mua nhà ở mức giá từ 300-500 triệu đồng. Hiện nay, do Luật Xây dựng chưa cho phép nên thị trường này con bỏ ngỏ.
Nếu được khai thác, phân khúc thị trường vô tận này sẽ là lối thoát cho tình trạng BĐS hiện nay. Bởi lẽ, không ít người đã phải ở nhà thuê trong suốt thời gian dài, thậm chí ở từ thuở sinh viên cho đến khi lập gia đình, sinh con mà căn nhà của riêng mình vẫn chỉ là niềm mơ ước.
Ông Đực tiết lộ, trong khi chờ xin ý kiến Chính phủ để thí điểm mô hình này, đã có hơn 1.000 người đến công ty đăng ký mua căn hộ diện tích nhỏ. Dự kiến, nếu được phép, trong vòng 2-3 tháng tới, Đất Lành sẽ triển khai các dự án này. Sẽ có khoảng 3-4 block dân cư căn hộ diện tích nhỏ (khoảng 25.000m2/block) với khoảng 1.000 căn hộ diện tích khác nhau được triển khai thí điểm tại hai quận 12 và Gò Vấp.
"Thị trường địa ốc thời gian qua đã bỏ sót một phân khúc rộng lớn này. Nếu được phép triển khai các dự án căn hộ diện tích nhỏ, đây chính là giải pháp để bình ổn thị trường BĐS bởi cung - cầu được cân đối", ông Đực nhận định.
Theo Vietnamnet
- 244
- By Admin
- 02/07/2008
- 17