Thị trường địa ốc của Hà Nội (mới): Cơ hội lớn, nhưng cần thận trọng
Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính trên đường Lê Văn Lương - Láng Hạ (Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: VĂN PHÚC |
Cùng với nhiều sự thay đổi toàn diện về kinh tế-xã hội, thị trường địa ốc thủ đô được dự báo là sẽ sôi động hơn nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là ở khu vực phía Tây – nơi kết nối với trung tâm Hà Nội “cũ” bởi các tuyến đường trục Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 32 và quốc lộ 6.
Tại khu vực này có tới hàng chục các dự án khu đô thị, biệt thự, chung cư, vui chơi giải trí có quy mô từ vài chục đến vài trăm ha: Nam An Khánh (180ha), Bắc An Khánh (260ha), Dương Nội (190ha)… Xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cũng có tới 3 dự án lớn là Orange Garden, Khu đô thị Đại học Vân Canh và Khu đô thị mới Vân Canh.
Cuộc chạy đua đầu tư vào “vùng nóng” phía Tây Hà Nội hiện đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, có thể kể đến các nhà đầu tư Hàn Quốc như Công ty Booyoung (đã khởi công xây dựng 5.000 căn hộ chung cư tại Khu đô thị Mỗ Lao); Hyundai RNC (với dự án khu căn hộ cao cấp có tổng vốn đầu tư 198 triệu USD); Liên doanh Posco E&C và Vinaconex (đang triển khai dự án Khu đô thị Nam An Khánh trị giá 212 triệu USD); Inpyung (sẽ đầu tư xây dựng tổ hợp căn hộ - cao ốc văn phòng - khách sạn và trung tâm thương mại tại Khu đô thị mới Văn Phú)...
Các nhà đầu tư trong nước xem ra cũng không kém cạnh trong cuộc đua này. Đầu tiên phải kể tới Tập đoàn Nam Cường với khu đô thị đồng bộ, gồm khu chung cư, biệt thự, khách sạn, văn phòng, bệnh viện quốc tế, chợ đầu mối… trên diện tích 190ha đất tại thành phố Hà Đông.
Để được giao đất, Nam Cường đã không ngần ngại đầu tư xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông nối đường Vành đai 4 với đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội “cũ”). Nam Cường cũng đã giành được quyền phát triển nhiều khu đô thị lớn khác tại Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thạch Phúc rộng từ vài trăm đến hơn 1.100ha để thu hồi 7.694 tỷ đồng mà tập đoàn này đầu tư cho tuyến đường trục kinh tế Bắc Nam nối Vĩnh Phúc, chạy qua 7 huyện của Hà Tây và kết thúc ở gần Quốc lộ 1.
TCT Công trình giao thông 5 - Cienco 5 (Bộ GTVT) cũng được xây dựng ba khu đô thị với tổng diện tích 570ha tại Hà Đông và huyện Thanh Oai, sau khi khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Nam Hà Đông, dài 41,5km, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quản lý đô thị, với hàng loạt dự án địa ốc lớn như vậy, bài toán giao thông cần được tính toán rất cẩn thận, song song với việc xây dựng các tuyến trục, còn phải có các tuyến đường kết nối các khu đô thị với nhau và với các tuyến trục.
Trong khi đó, ngay cả những tuyến đường trục cũng không hoàn toàn xuôi chèo mát mái. Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (dự kiến hoàn thành trước 2010) có nhiều khả năng chậm tiến độ; tuyến đường 32 nối TP Sơn Tây với trục Cầu Diễn-Xuân Thủy đã được xây dựng nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thông toàn tuyến. Đường trục phía Bắc TP Hà Đông chưa giải phóng xong mặt bằng… Đó là chưa nói đến các tuyến đường xương cá để kết nối các khu đô thị với nhau, dường như chưa được các chủ đầu tư dành sự quan tâm thích đáng.
Bên cạnh đó, giá đất ở khu vực này hiện quá cao nên sẽ khó thu hút được nhà đầu tư dịch vụ xã hội. Rất có thể tình trạng có nhà ở mà thiếu trường học, bệnh viện và chưa chắc mục tiêu “kéo” được khách hàng từ Hà Nội về sinh sống tại khu vực này trở thành hiện thực. Trong khi giá nhà đất ở các khu đô thị mới vừa kể không hề rẻ chút nào: từ 14 đến 20 triệu đồng/m2.
Chính vì vậy, lời khuyên thận trọng của các nhà tư vấn đầu tư trong trường hợp này thực sự là xác đáng.
- 0
- By Admin
- 08/08/2008
- 17