• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ ra sao?

Thị trường chứng khoán đang suy giảm. Đánh thuế chứng khoán sẽ làm giảm nhiệt tình đầu tư. Ảnh chụp các nhà đầu tư chứng khoán tại TPHCM, ngày 7-11. Ảnh: H.Thúy.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội xem xét hoãn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009, trong đó có thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và bất động sản (BĐS). Các nhà đầu tư (NĐT) và nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại việc bắt đầu đánh thuế trong thời điểm không thuận lợi này sẽ làm suy giảm cả hai thị trường quan trọng này, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Cách thu còn nhiều bất cập

Đối với chứng khoán có hai cách thu, gồm thu thuế 20% trên các giao dịch có lãi hoặc thu 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Để phổ biến kiến thức cho các NĐT, nhiều công ty chứng khoán đã tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia thuế đối thoại với NĐT nhưng nhiều thắc mắc của giới đầu tư vẫn bị để ngỏ.

Tại một hội thảo gần đây do Công ty Chứng khoán Artex tổ chức, bà Vũ Thị Toàn, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, đã “nợ” câu trả lời về căn cứ giá tính thuế đối với trường hợp được chia cổ tức nhưng từ khi có quyết định và chốt danh sách đến khi được nhận cổ tức, NĐT đã lỗ. Trường hợp nhận cổ tức bằng tiền, NĐT phải nộp 5% nhưng cổ tức nhận bằng cổ phiếu có phải nộp thuế hay không cũng chưa được đề cập rõ ràng trong thông tư hướng dẫn.

Băn khoăn lớn nhất của NĐT hiện nay là việc xác định giá mua, giá bán đối với loại cổ phiếu chưa niêm yết. Theo quy định, nếu trên hợp đồng bán không ghi giá chuyển nhượng cụ thể hay ghi giá thấp hơn giá sổ sách kế toán thì giá mua được xác định dựa vào giá bán sổ sách kế toán của công ty phát hành. Nhưng có rất nhiều cổ phiếu OTC thường chuyển nhượng qua tay, giá căn cứ là giá tại thời điểm chuyển nhượng hay thời điểm doanh nghiệp phát hành cổ phiếu?

Đối với thuế BĐS cũng đặt ra hai cách thu: thu thuế 25% trên các giao dịch có lãi hoặc 2% trên giá trị chuyển nhượng. Ông Nguyễn Huy Trường, Trưởng Phòng Thuế TNCN Tổng cục Thuế, cho biết về nguyên tắc, thuế BĐS chỉ thực hiện khi làm các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Hoạt động mua BĐS đều đã phát sinh quyền sở hữu và sử dụng nên các trường hợp mua trước thời điểm ngày 1-1-2009 mà bán sau thời điểm này đều phải chịu thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, luật đã loại bỏ đối tượng chịu thuế là bố mẹ, anh chị em... chuyển nhượng BĐS cho nhau nhưng cần nghiên cứu có chế độ thu thuế khác nhau giữa các NĐT chuyên nghiệp và người có nhu cầu thực sự về nhà ở. Trong điều kiện giá BĐS của VN quá đắt đỏ, người dân có nhu cầu chuyển đổi nhà ở có khi bán đi chưa mua được nhà mới lại phải chịu thuế là một thiệt thòi lớn. Ông Phong cũng cho rằng các chính sách thuế này quá phức tạp, đẩy phần khó về phía NĐT là chưa phù hợp với nguyên tắc của thuế là càng đơn giản càng tốt.

Giảm nhiệt tình đầu tư

Theo ông Phong, thị trường chứng khoán và BĐS hiện đang suy giảm mạnh và khó có khả năng phục hồi trong quý I/2009, nếu thu thuế sẽ làm giảm nhiệt tình của NĐT, thậm chí còn có tác động nhấn chìm thị trường. “Thị trường luôn phá đáy, lợi nhuận của NĐT giảm, thậm chí không có lợi nhuận mà bắt phải chịu thuế thì họ chả dại gì lên sàn”- ông Phong bình luận. Mức thu 0,1% đối với chứng khoán là phù hợp với các thị trường khu vực và quốc tế nhưng đó là trong bối cảnh thị trường tốt.

Trường hợp không lùi được thời điểm áp dụng, trong quyền hạn của mình, Chính phủ có thể ấn định mức thu chỉ mang tính tượng trưng, chẳng hạn thu 0,01%. Như vậy vẫn bảo đảm tâm lý ổn định cho thị trường và giữ đúng tính định hướng của chính sách thuế chứ không nên coi là nguồn thu ngân sách. Đối với BĐS, trước mắt chỉ nên áp dụng thí điểm đối với các hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, đầu cơ.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng thuế TNCN đối với kinh doanh chứng khoán không phải biện pháp trực tiếp ảnh hưởng đến sự tăng giảm của thị trường nhưng lại có hiệu ứng tâm lý rất quan trọng đối với NĐT.

Không có cơ sở để khẳng định bỏ thuế, thị trường sẽ bật lên, nhưng việc thu thuế không đúng thời điểm có thể khiến thị trường tiếp tục đà suy giảm. Kinh nghiệm từ thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy thuế là công cụ hỗ trợ rất tốt. Khi thị trường nóng quá, họ điều chỉnh tăng thuế suất đánh vào giao dịch bán từ 0,1% lên 0,3%, khi thị trường xuống họ lại trả về mức 0,1%. Vào thời điểm tháng 9-2008, họ quyết định bỏ thuế khi thị trường diễn biến xấu.

TS Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trong khả năng hai thị trường chứng khoán và BĐS chưa thể khởi sắc, NĐT nên chọn cách nộp thuế tính từ lợi nhuận, nếu chọn cách nộp thuế trên doanh thu, thủ tục đơn giản nhưng sẽ thiệt thòi hơn.

Như thế cũng bảo đảm hạn chế tốt nhất những tác động xấu của chính sách thuế đến thị trường. NĐT cũng không nên hy vọng vào việc hoãn thu thuế vì luật đã ban hành, các khoản thu nhập đánh thuế cũng đã xác định. Chỉ loại trừ đối với thị trường chứng khoán sẽ mất tính đồng bộ của chính sách thuế.

Ông Nguyễn Huy Trường cũng cho biết khả năng Quốc hội chấp thuận lùi thời điểm áp dụng là rất ít.

Nhiều kiến nghị hoãn đánh thuế chứng khoán

Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB), ông Nguyễn Thanh Kỳ, cho biết hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị lùi thời điểm đánh thuế chứng khoán. Theo VASB, thị trường chứng khoán VN còn non trẻ, số lượng NĐT tham gia mới chiếm tỉ lệ 0,26% dân số. Đánh thuế ở thời điểm này có thể khiến NĐT nản lòng, làm chậm tiến độ cổ phần hóa, hạn chế các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Nếu phải áp dụng thì nên tính ở mức thuế suất thấp với phương pháp tính dễ hiểu, tránh tình trạng rút vốn khỏi thị trường, dẫn đến bất lợi cho thị trường chứng khoán.

Trong kiến nghị trình lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nêu lý do tương tự và cho rằng quy mô thị trường còn nhỏ, thu thuế chưa có tác động nhiều đến tăng ngân sách. Để chứng minh điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chỉ đạo bóc tách các giao dịch của NĐT cá nhân trong năm 2007 nhân với thuế suất để tính tổng mức thuế dự kiến thu được của một năm. Thời gian áp dụng, theo đề nghị của ủy ban là từ đầu năm 2010 hoặc tùy vào diễn biến thực tế của thị trường.

TS Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng có quan điểm nên hoãn thu để tránh tác động xấu đến tâm lý NĐT và thị trường. Hơn nữa, khoản thuế TNCN đối với chứng khoán thu được cũng không đáng kể so với các nguồn thu khác.

Theo Người Lao Động

  • 0
  • By Admin
  • 10/11/2008
  • 17