Thị trường bất động sản vẫn hấp dẫn
Sáng 10-10, Hội nghị Thượng đỉnh Ban Thư ký Liên đoàn Bất động sản quốc tế (FIABCI) châu Á -Thái Bình Dương được tổ chức tại TPHCM. Gần 500 đại biểu là các doanh nghiệp trong nước và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự. Đây là cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam, kết nối các thương vụ làm ăn lớn trong ngành bất động sản (BĐS).
Giá giảm, đầu tư tăng!
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2008, thị trường BĐS đã "bốc hơi" hàng chục ngàn tỉ đồng do giá nhà, đất giảm từ 40% đến 60%. Sự suy thoái của thị trường đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, các doanh nghiệp trong nước làm ăn trong lĩnh vực BĐS vốn nhỏ lao đao khi ngân hàng siết chặt tín dụng. Tuy nhiên, đây là điều may mắn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi được tiếp cận với giá đất đã bớt đi phần "bong bóng". Theo thống kê sơ bộ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2008, cả nước có 885 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 57,1 tỉ USD. Điều đáng lưu ý là phần lớn nguồn vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực BĐS, đây là tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), cho rằng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TPHCM chỉ có thể phục hồi nhanh nhất là vào cuối năm 2009. Đó là chưa tính đến những tác động tiêu cực có thể xảy ra do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Theo ông Châu, muốn thị trường phục hồi nhanh, phải giải quyết được khủng hoảng lòng tin của khách hàng cũng như nhà đầu tư.
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Horea, cơ hội đầu tư vào ngành BĐS tại Việt Nam và TPHCM của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khá tốt. Bởi chính sách của Nhà nước đã thông thoáng hơn, mức độ tăng trưởng khi đầu tư tốt... Nhà nước đang rất cần quỹ nhà khá lớn để đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập trung bình và thấp.
Chờ đợt hạ giá mới
Trong khi các doanh nghiệp đầu tư phấn khởi, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực môi giới BĐS ở phân khúc thị trường bán lẻ tiếp tục khóc ròng vì giao dịch chậm, giá đất vẫn đứng im. Thống kê của sàn địa ốc ACBR TPHCM, trong tháng 9, giao dịch thành công qua sàn đạt 18 sản phẩm, trong đó các giao dịch thành công tập trung vào mảng nhà phố nội thành chiếm 70%, đất dự án chỉ chiếm 2%, còn lại 28% rơi vào các căn hộ có giá trị sử dụng thấp. Còn tại sàn BĐS Công ty Sacomreal, bốn tuần liên tiếp giá nhà, đất của các dự án đều đứng im.
Qua diễn biến thị trường, ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty ACBR, cho rằng người mua nhà bắt đầu tìm những căn nhà rao bán phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Những tín hiệu khá tốt như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2008 chỉ tăng 1,56%, nhiều nhóm sản phẩm dịch vụ như vận tải, vật liệu xây dựng, tiếp tục giảm giá, nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay và "hé mở" hầu bao, là những tín hiệu tốt cho giao dịch BĐS. Tuy nhiên, một số chuyên gia địa ốc nói sau gần 9 tháng giảm giá, thị trường đã có dấu hiệu giảm suy thoái nhưng hiện khách hàng vẫn có tâm lý chờ đợt giảm giá mới của thị trường nhà, đất.
Rào cản lãi suất Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn BĐS CB Richard Ellis (CBRE) Marc Townsend nhận định, khi thị trường đã giảm nhiều đợt và đứng giá như hiện nay, tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư và khách hàng càng làm cho chiều dài của hình thang phình ra thêm, gây rất nhiều khó khăn cho việc hồi phục thị trường này. Hơn nữa nếu được vay để mua nhà, đất, với mức lãi suất ngân hàng từ 18%-21% (so với khoảng 5% ở châu Âu, Singapore, Hồng Kông) thì vẫn còn quá cao và việc vay tiền mua nhà, đất vẫn là một rào cản rất lớn. T.Nguyễn |
- 0
- By Admin
- 13/10/2008
- 17