Thị trường bất động sản có thực sự "đói" vốn?
Chỉ đạo trên được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 mới được tổ chức vừa qua. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về tín dụng cho BĐS, tạo điều kiện để thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, nguồn tiền cho BĐS vẫn được các ngân hàng thương mại khẳng định là “luôn sẵn sàng và khá dồi dào”. Một đại diện của Hiệp hội BĐS đánh giá, chủ trương và chỉ đạo "bơm" thêm vốn cho thị trường BĐS của Chính phủ cũng không hẳn dễ thực hiện.
Lãi suất cho vay chỉ là mồi nhử
Theo báo cáo của NHNN, hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tung ra các gói cho vay BĐS với lãi suất “vô cùng” hấp dẫn. Trong đó, có một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank… đã áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi 0% đối với những dự án mà các ngân hàng này có thoả thuận hợp tác.
“Đây là cách bơm vốn hiệu quả nhất cho thị trường BĐS trong bất cứ giai đoạn nào”, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN phát biểu tại một hội nghị gần đây.
Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế không được như lời của người đứng đầu ngành ngân hàng báo cáo. Bởi ai cũng hiểu rằng, đa số các ngân hàng thương mại đều sử dụng công cụ lãi suất thấp để làm mồi nhử người vay nhưng lại chỉ áp dụng trong năm đầu tiên hoặc 6 tháng đầu tiên. Còn thời gian tiếp sau, lãi suất lại được thả nổi tùy theo thị trường, tức là, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất huy động cộng thêm một khoản chênh lệch nào đó, thông thường sẽ từ 3 - 4%. Có rất ít ngân hàng đưa ra các gói ưu đãi cố định lãi suất trong thời gian khoảng 2 - 3 năm.
“Lãi suất mồi” này được các ngân hàng áp dụng đối với cả chủ đầu tư dự án BĐS lẫn khách mua nhà. Chính vì lẽ đó, một lãnh đạo của Tập đoàn FLC cho biết, dù các ngân hàng đang ra sức mời chào nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể đặt bút ký vay vốn để triển khai một số dự án mới khi mà chưa dám chắc lợi nhuận có đủ để trả lãi ngân hàng hay không.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này, mà lý do chính yếu nhất là rào cản về lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay BĐS vẫn dao động quanh mức 10%, trong khi lãi huy động chỉ ở mức 4%. Đây là một thử thách khiến cho đa số các doanh nghiệp BĐS phải “đau đầu”, bởi tính thanh khoản vẫn thấp, trong khi mọi chi phí khác đang ngày càng đắt đỏ. Trì hoãn hoặc tìm nguồn vốn khác vẫn đang là phương án được nhiều chủ đầu tư dự án lựa chọn, thay vì đặt bút ký bản hợp đồng “vay vốn cắt cổ” với các ngân hàng.
Tất nhiên, cũng có một số chủ đầu tư cho biết, dự án BĐS của họ có được sự trợ giúp đắc lực từ phía các ngân hàng thông qua các hợp đồng tài trợ vốn trị giá đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, ít người biết rằng, để dễ dàng được rót vốn cũng như đón nhận dòng vốn đó, đằng sau thoả thuận hình thức thì các ngân hàng mới chính là “đối tác chiến lược”, thậm chí là các ông chủ thực sự của các dự án BĐS hoành tráng đó.
Nếu không, phần lớn các chủ đầu tư BĐS hiện nay với năng lực tài chính hạn hữu, cộng thêm rào cản lãi suất khó vượt qua, việc có được nguồn vốn từ các ngân hàng vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Về phía các khách hàng cá nhân mua nhà cũng vậy. Họ được các nhân viên tín dụng của ngân hàng mời chào mỗi khi tham dự lễ mở bán của một dự án nào đó với lời mời lãi suất vô cùng hấp dẫn. Chỉ từ 3 - 5%, thậm chí là 0% trong 1 năm đầu, nhưng đa số người mua nhà vẫn tỏ ra “hờ hững và sợ sệt”. Bởi, những người bạn đi trước của họ đã để lại bài học “cay đắng” khi mua nhà thiếu tiền và trót phải nhờ đến ngân hàng.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường BĐS
Một khách hàng vay tiền mua nhà tại một dự án ở Hà Đông cho biết, chị vay khoảng 700 triệu đồng của một ngân hàng thương mại để mua nhà. Ban đầu, lãi suất thoả thuận chỉ là 0% trong 6 tháng đầu, sau đó lãi suất sẽ được thả nổi theo thị trường, tính bằng lãi suất huy động cộng thêm 4%.
“Tưởng là sẽ dành dụm đủ tiền để trả ngân hàng hàng tháng, nhưng sau khi hết thời hạn 6 tháng hưởng lãi suất ưu đãi, ngân hàng dồn dập thu cả gốc và lãi lên tới 12%/năm, khiến gia đình tôi rơi vào cảnh gần như kiệt quệ. Ban đầu họ bảo lãi suất huy động nhưng không nói rõ là tính theo kỳ hạn nào, tôi cứ nghĩ là áp lãi suất ngắn hạn, nhưng sau đó họ lại áp khung dài hạn khiến tôi phải trả thêm gần 4% so với dự tính ban đầu”, khách hàng trên cho hay.
Thị trường BĐS có thực sự "đói" vốn?
Thị trường BĐS đang hồi sinh là một thực tế. Điều này mang đến niềm vui cho không ít chủ đầu tư lẫn giới đầu cơ, lướt sóng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, dòng vốn đổ vào BĐS vẫn liên tục tăng nhờ tác động của lãi suất ngân hàng liên tục giảm. Chủ đầu tư dự án cũng muốn vay tiền, khách hàng mua nhà cũng muốn vay tiền, mọi việc dường như đang suôn sẻ hơn với thị trường BĐS.
Thế nhưng, tại sao Chính phủ vẫn phải ban hành nghị quyết "bơm" thêm vốn cho BĐS để giúp thị trường tiếp tục hồi phục. Một số chuyên gia bình luận, nghị quyết của Chính phủ là chỉ đạo mang tầm vĩ mô, còn trên thực tế, vốn cho BĐS vẫn đang được các ngân hàng “để dành” khá nhiều, chỉ lo không tìm được khách vay. Còn với một số chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính và tính khả thi của dự án BĐS không cao thì lại không được các ngân hàng để mắt tới.
Hơn lúc nào hết, câu chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” đang đúng với thị trường BĐS. Chính vì vậy, một đại diện của Hiệp hội BĐS nhận định, chủ trương và chỉ đạo "bơm" thêm vốn cho thị trường BĐS của Chính phủ cũng không hẳn dễ thực hiện.
Thậm chí, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, trong giai đoạn hiện nay, thay vì đổ xô vào lĩnh vực BĐS, các cơ quan quản lý và các ngân hàng nên tập trung hơn nữa vào định hướng chính sách tiền tệ đã được đặt ra, tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để các doanh nghiệp này tồn tại và phát triển, giúp nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn. Không nên tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng mang tính chất đối phó như dồn vốn vào BĐS để tăng trưởng nhanh.
- 0
- By Admin
- 19/06/2015
- 17