Thị trường bất động sản: Sẽ giảm giá khi nhu cầu dừng lại
Bán giá gốc vẫn ế ẩm
Trưởng phòng Kinh doanh Cty Địa ốc Đất Xanh - anh Trần Nguyễn Huy, cho biết: Trong tháng 2, chỉ có 35 căn hộ Star City và 4 căn hộ tại dự án Royal City giao dịch thành công. Số lượng này có thể coi là lớn tại thời điểm này, khi có nhiều sàn “bán không được”.Điều này lý giải hiện tượng nhân viên bán hàng của các sàn giao dịch BĐS dốc sức mời gọi cộng tác viên để đẩy được hàng đi với giá gốc không còn là chuyện lạ nữa. Nếu như trước đây muốn mua được một căn hộ, khách có nhu cầu thực phải qua dăm bảy cầu với tiền chênh lệch cao có khi tương đương một căn hộ, thì nay việc bán hàng giá gốc đến tận tay khách hàng, dịch vụ tận tình, không còn là chuyện lạ. Lạ là dù chăm sóc và mời gọi kỹ nhưng hàng vẫn chịu cảnh mãi lực chậm, đặc biệt là dự án cao cấp.
“Cộng tác viên có khách cứ alô cho chúng tôi, khách mua giá gốc, không phải chịu chênh lệch, và người giới thiệu vẫn được nhận hoa hồng cho công dẫn khách” - Cán bộ phụ trách bán hàng một Cty BĐS chuyên bán các dự án cao cấp mời mọc.
Gấp rút ưu tiên tuyển thêm nhân viên bán hàng là cách mà các sàn, Cty BĐS đang làm nỗ lực nhằm cứu vãn cho thị trường đang lâm cảnh chợ chiều hiện nay.
Sẽ giảm giá khi nhu cầu dừng lại
Đó là nhận định của anh Nguyễn Thạch Ly - cán bộ tài chính một Cty thành viên thuộc TCty Vinaconex. Theo anh Ly, hiện tại, thị trường BĐS Tp.HCM đang ở tình cảnh cung vượt cầu, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường BĐS Hà Nội cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Thời gian tới, rất nhiều dự án mới tiếp tục tung sản phẩm ra thị trường và cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thị trường sẽ tăng mạnh nguồn cung với ước tính hàng chục ngàn căn hộ. Cạnh tranh sẽ còn quyết liệt hơn hiện nay rất nhiều.Kèm theo đó, quyết định thắt chặt tiền tệ đối với cho vay BĐS đang được coi là làm khó các chủ đầu tư kinh doanh lĩnh vực này. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là giảm giá BĐS có phải là giải pháp phù hợp và khả thi với điều kiện thực tế của thị trường và của DN hay không?
Các DN cho rằng, với những nhà đầu tư có chiến lược tài chính dài hạn, trường vốn thì không có gì phải lo lắng dù ngân hàng thắt chặt vốn vay. Tuy nhiên số DN có đủ tiềm lực, tự chủ được vốn không nhiều. Phần đông là nhờ vào nguồn vốn vay ngân hàng, tình trạng bán lúa non khi mới xong phần móng của hầu hết các dự án chứng tỏ rõ điều này.
Hầu hết các DN đều bán lúa non chứ mấy ai đợi hoàn thiện xong mới bán đâu. Khi bắt đầu bán lúa non, tiến hành thu tiền từng đợt của khách hàng, là DN đã có nguồn để trả nợ ngân hàng. “Khó khăn lớn nhất là đầu ra” - anh Nguyễn Thạch Ly nhận định. Theo đó, thị trường năm nay sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2010, vì ảnh hưởng lớn từ lãi vay cao, vật liệu tăng giá, riêng thép đã tăng giá vài lần. “Nếu tính thuận chiều, đầu vào tăng thì giá bán sẽ phải tăng, nhưng thực tế, BĐS đã liên tục tăng giá và hiện đã ở mức rất cao. Những người có đủ 2 - 3 tỷ đồng để mua chung cư đã vãn, không còn nhiều, trong khi số dự án đang xây dựng và hoàn thành của phân khúc căn hộ giá trung bình và cao cấp còn rất lớn. Đặc biệt là căn hộ cao cấp, gần chạm ngưỡng bão hoà rồi.
Còn theo anh Trần Nguyễn Huy, tình trạng ế ẩm là thực tế xảy ra với một số dự án giá quá cao, mãi lực kém. Tuy nhiên, với những dự án giá rẻ thì vẫn vô tư. DN ế hàng cầm vốn lâu sẽ càng khó khăn, đặc biệt khi lãi suất ở mức cao, phải chấp nhận bán hoà vốn để thu tiền trả nợ ngân hàng. Tp.HCM, các DN đã ế hàng chục nghìn căn hộ, miền Bắc cũng khó tránh khỏi tình trạng này nếu như các dự án vẫn tiếp tục trong khi sức mua đã chạm ngưỡng. Khi đó muốn bán được hàng, DN buộc phải hạ giá. Còn khi giới đầu cơ còn sức mua, còn tiền để ôm hàng thì chừng đó người ít tiền vẫn chưa thể mua được.
Còn đại diện Cty Địa ốc Hùng Phát thì cho rằng, đứng về phương diện của sàn BĐS thì càng nhiều cung sàn càng mừng, vì khách hàng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, bên cạnh giá cả là yếu tố quyết định đối với sức mua. “Nếu giá cả chịu giảm bớt, đến cuối năm thị trường nhà đất sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn”.
(Theo BXD)
- 0
- By Admin
- 14/04/2011
- 17