Thị trường bất động sản: Lắm mối, “rối” quản
Một vấn đề nổi lên trong những bất cập của hệ thống tổ chức quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản (BĐS) là hiện có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường... nhưng chưa có sự thống nhất cao trong việc ban hành một số cơ chế chính sách quản lý, phát triển.Thực tế gần nhất trên thị trường BĐS trong hơn một năm qua, ở nhiều địa phương, nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng “sốt nóng”. Riêng ở Hà Nội, cơn sốt hết ở phía Tây, lại sang phía Đông, hết Hòa Lạc, đến Ba Vì, Đông Anh… Tuy hiện tượng này thường diễn ra không dài, song khó có con số nào có thể thống kê được lợi nhuận thu được cho giới đầu cơ. Ôm hàng, loan tin và đẩy giá - rất nhiều chiêu thức của giới đầu cơ với sự “hỗ trợ” đắc lực của giới “cò” nhà đất đã tạo nên “mê cung” giá BĐS. Lạc vào “mê cung” này có người thoát ra được nhưng cũng có người đành ngậm đắng, nuốt cay khi giá thì giảm, đất không bán được. Vậy câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý ở đâu (?) trước những bất thường này của thị trường. Những cảnh báo mà cơ quan chức năng đưa ra dường như luôn vào lúc… mọi sự đã rồi.
Theo đánh giá của Tổ liên ngành về thị trường BĐS, hệ thống quản lý nhà nước về thị trường BĐS còn nhiều bất cập; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường thiếu tin cậy và chưa thống nhất. Mô hình tổ chức quản lý và năng lực của cán bộ trong lĩnh vực BĐS và thị trường BĐS từ Trung ương đến địa phương còn bất cập trước yêu cầu bức xúc của thực tiễn. Hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS còn rất hạn chế, chưa phát huy được vai trò định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường BĐS. Đặc biệt khi thị trường BĐS có những biến động lớn, những cơn “sốt” nhà đất thì Nhà nước chưa thể hiện được vai trò điều tiết bình ổn thị trường BĐS để ổn định sản xuất và đời sống xã hội. Sự bất cập thể hiện rõ ở việc tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là ở cấp tỉnh, cấp quận, huyện về thị trường BĐS hầu như chưa hình thành. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thị trường BĐS, nhà đất còn nhiều hạn chế bởi chưa có hệ thống đào tạo một cách chính quy.
Quản lý không hiệu quả, thông tin lại hết sức mù mờ và đến với người dân phần lớn là dạng tin đồn.Thực trạng hệ thống thông tin trên thị trường BĐS chưa thể hiện được tình hình sở hữu (hoặc sử dụng) BĐS, tình hình giao dịch trên thị trường. Thiếu các tiêu chí đánh giá thị trường một cách khoa học, thống nhất nên việc đánh giá thị trường mang nặng cảm tính, phiến diện. Thông tin về thị trường BĐS chủ yếu qua báo chí, mang nặng tính cục bộ, thiếu thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý nhà nước và không mang tính tổng thể. Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bất động sản phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành để ổn định thị trường. Tổ chuyên gia liên ngành nhận định, do thiếu thông tin tổng thể nên việc đề xuất các giải pháp trong điều hành thị trường mới dừng lại ở mức xử lý tình huống, chưa có những giải pháp cơ bản, toàn diện, lâu dài.
BĐS và thị trường BĐS là một lĩnh vực kinh tế, không đơn thuần là một ngành kinh tế kỹ thuật. Vì vậy, quản lý thị trường BĐS cũng cần một số cơ quan nhà nước đồng thời theo dõi và quản lý. Tổ công tác liên ngành vừa có đề xuất lên Chính phủ, cần có một cơ quan đầu mối quản lý cấp nhà nước về thị trường BĐS. Hiện Bộ Xây dựng là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thị trường BĐS. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thực tế về thị trường BĐS chỉ mới đặt tại một đơn vị cấp Cục. Điều này gây nên những bất cập về phạm vi và tầm quản lý. Vì vậy, rất cần một cơ quan đủ tầm quản lý thị trường BĐS ngang tầm với yêu cầu trong thời gian tới, phù hợp nhất là Tổng cục nhà ở và thị trường BĐS đặt tại Bộ Xây dựng. Đối với hệ thống thông tin về thị trường BĐS, cần lập ngay hệ thống thống nhất từ Trung ương tới địa phương với kỷ luật và chế độ báo cáo nghiêm túc, tập trung, đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, điều chỉnh thị trường một cách khoa học, góp phần công khai minh bạch hoá thị trường BĐS.
Theo KTĐT
- 0
- By Admin
- 02/06/2010
- 17