Thị trường bất động sản Hà Nội có "nóng" vì giáo dục?
Hiện nay, Hà Nội vẫn là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước về chất lượng và số lượng các trường đại học. Các trường đại học, cao đẳng mới liên tục được thành lập, số lượng sinh viên cả nước đổ về là một trong những nguyên nhân làm hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố trở lên quá tải.
Dưới góc độ kinh doanh bất động sản, số lượng sinh viên đông đảo góp phần cho thị trường địa ốc Hà Nội không thể hạ nhiệt.
Người dân ngoại tỉnh tập trung mua nhà đất Thủ đô
Thực tế, khách hàng tiềm năng của thị trường nhà đất Hà Nội là người dân các tỉnh xung quanh. Chủ yếu khách hàng là những gia đình có tích lũy tương đối, con cái tới tuổi trưởng thành, sắp vào đại học.
Sản phẩm họ tìm kiếm thường là những khu chung cư thương mại gần trung tâm, có giá cả hợp lý nhằm chuẩn bị cho tân sinh viên. Mua nhà Hà Nội vừa là một cách thức quản lý việc sinh hoạt, học tập của con cái vừa là một cách đầu tư cho tương lai bởi giá bất động sản Hà Nội luôn có xu hướng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, không loại trừ những đại gia ở tỉnh luôn mạnh tay tìm kiếm khu biệt thự, nhà liền kề, đất mặt phố nhằm đầu tư cho thế hệ con cháu an cư lạc nghiệp ở thủ đô. Lượng khách hàng ngoài tỉnh khiến cho thị trường địa ốc Hà Nội luôn có tính thanh khoản cao, khó có thể giảm giá.
Những khu phòng trọ cho sinh viên thuê được cải tạo, xây lại hiện đại từ nhà cấp 4 thành nhà cao tầng với giá cho thuê khá cao |
Nhà cho thuê tăng giá
Với lực lượng sinh viên ngày càng đông đảo, số lượng phòng ký túc xá của các trường đại học luôn thiếu hụt. Hơn nữa, sự hạn hẹp trong không gian sinh hoạt và những quy tắc kỷ luật khiến sinh viên thường có xu hướng thích thuê nhà trọ bên ngoài.
Thực tế, việc cho sinh viên thuê nhà trọ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho rất nhiều gia đình Hà Nội. Người dân các khu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Hoàng Mai, Phùng Khoang... có quỹ đất ruộng vườn rộng do cha mẹ để lại, họ chỉ cần xây phòng trọ cho thuê là có thể sống khỏe.
Các khu phòng trọ cho sinh viên thuê ngày càng được xây sửa hiện đại từ nhà cấp 4 thành nhà cao tầng với những trang thiết bị khép kín nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Tất nhiên, giá cho thuê càng cao thì thu nhập càng nhiều. Có không ít nhà đầu tư xem đây là một phân khúc bất động sản sinh lời ổn định, thu hút.
Số lượng trường đại học tăng nhanh, trường các cấp quá tải
Tại Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng liên tục ra đời, xây mới, mở rộng. Còn hàng chục năm nay, số lượng các trường mẫu giáo, cấp 1, 2, 3 công lập gần như vẫn giữ nguyên. Quy mô vẫn thế trong khi số lượng học sinh càng ngày đông.
Nhiều ông bố, bà mẹ trẻ đặt ra tiêu chí, cơ quan có thể xa nhưng trường tốt của con phải gần nhà. Vì thế, dù số lượng học sinh của trường lớp các cấp đều đang quá tải nhưng giá bất động sản xung quanh những khu vực trường tốt, trường điểm vẫn đương nhiên được nhân lên một hệ số giá đất không nhỏ.
Mọi người đặt ra câu hỏi,tại sao rất nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn thiếu hụt sinh viên nhưng trường học công lập các cấp luôn xảy ra tình trạng quá tải? Bên cạnh nhà cao tầng hiện đại, khuôn viên rộng lớn của các trường đại học là khối nhà cũ kỹ, sân chơi nhỏ hẹp của hầu hết trường các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông?
Đề án di dời những trường đại học ở trung tâm ra ngoại thành được triển khai sẽ có rất nhiều lợi ích. Số liệu thống kê cho thấy, hơn 60 trường đại học với số lượng gần 500.000 sinh viên dự kiến sẽ di dời ra khu vực ngoại thành. Những trường đại học sẽ có không gian rộng lớn hơn ở ngoại thành để sinh viên thực hành, học tập, nghiên cứu thực tế.
Còn các vùng ngoại thành xung quanh sẽ được hưởng lợi từ thị trường tiêu dùng của sinh viên. Đồng thời, hạ tầng xã hội trong nội đô từ trường học các cấp, giao thông, các dịch vụ công cộng cũng sẽ giảm tải và dễ thở hơn. Đặc biệt, nó có thể giúp thị trường địa ốc Hà Nội giảm giá ở mức hợp lý và có thanh khoản cao hơn đối với tất cả những khách hàng có nhu cầu làm việc và định cư tại Thủ đô.
- 0
- By Admin
- 31/03/2015
- 17