Thị trường bất động sản: Giá thực, giá ảo
Chỉ so với các nước khu vực, thị trường bất động sản Việt Nam nóng lạnh thất thường và khó lường nhất.Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đã đi vào cuộc sống trong những năm qua, có nghĩa là Nhà nước đã xây dựng được một hành lang pháp lý để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân được tiếp cận với các sản phẩm nhà đất phù hợp với yêu cầu của mình. Hai bộ luật quan trọng này được ví như hai “xa lộ” giao thông với đầy đủ quy định, biển báo, tín hiệu để mọi phương tiện tham gia lưu thông tuân thủ đúng luật định, không chèn ép, lấn đường, phóng nhanh, vượt ẩu. Hơn thế, trong 15 năm qua, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có quy hoạch định hướng không gian phát triển đô thị. Nhờ đó đã phần nào xác định được kế hoạch trung và dài hạn để đầu tư vào đô thị hóa nói chung và bất động sản nói riêng.
Có thể nói, tiềm năng bất động sản ở các đô thị còn rất nhiều. Chẳng hạn như một trong nội dung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Lý là như thế, còn thực tế thì sao? Trong mấy năm gần đây, giữa những cơn sốt nóng, sốt lạnh của thị trường, tại một số tỉnh, thành và trong một số khu vực nhà đất, giá bị “thổi” lên quá cao và quá căng như trái bóng, thế nhưng giao dịch thực lại không được bao nhiêu.
Gần đây, trước khi Quốc hội họp hồi tháng 6 vừa qua có đưa ra một số dự kiến về quy hoạch chung của Hà Nội, đặc biệt là “trục tâm linh” thẳng tắp lên Ba Vì, lập tức thị trường bất động sản tại Hà Nội và khu vực lân cận “sôi sục” như một cơn địa chấn. “Tâm linh” chưa thấy đâu, chỉ thấy không ít người suýt “tâm thần”. Sau nhiều ý kiến của Quốc hội, quy hoạch này chưa được phê duyệt, cần lấy ý kiến của nhân dân cũng như đề xuất phương án khả thi của các đơn vị tư vấn.
Vậy là thị trường lại dần được trả lại đúng giá thực của nó. Một tháng sau khi Hà Nội lên “cơn sốt” đất, ở Tp.HCM có một số khu vực giá cũng bị “vống” lên cao mà giao dịch thực thì có là bao, chủ yếu là thị trường làm trò ảo. Hiện tượng này nói lên điều gì? Tham vọng của cơ quan quản lý Nhà nước là muốn kẻ giá bất động sản ngày càng gần sát với thu nhập của người dân, để làm sao tăng cơ hội cho những người có nhu cầu thực mua được nhà ở và tiếp cận với quỹ đất nhà ở phù hợp với túi tiền của họ. Có lẽ đây là tham vọng quá lớn, khó thành hiện thực.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điều mấu chốt là phải biết kết hợp được ba lợi ích: lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và khách hàng thì mới hy vọng có thể đưa bất động sản về giá thực. Một khi do nhu cầu ảo thì thị trường bị thổi bùng lên giá ảo. Mặc dù mới chỉ là ý tưởng, trục Thăng Long và dự định chuyển trung tâm hành chính quốc gia, các nhà đầu cơ đã “đi trước đón đầu” khiến bao người khốn đốn.
Từ bài học này, sắp tới Hà Nội sẽ xây dựng khung giá đất theo chủ trương bám sát giá thị trường. Theo đó, mọi vấn đề về đầu tư, tính toán khi nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước đều phải dựa theo giá thị trường. Nếu trường hợp giá thị trường do Nhà nước ban hành vào đầu năm tăng hoặc giảm trên dưới 20% thì phải được định giá lại. Trước đây khi chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất thì sẽ được giảm trừ tiền đền bù bằng đơn giá Nhà nước quy định. Nhưng nay, chủ đầu tư sẽ được trừ 100% tiền đền bù cho những người sử dụng đất đó và theo đúng giá thị trường.
Đó là nội dung chủ yếu của Nghị định 69/CP xây dựng khung giá đất bám sát giá thị trường. Không chỉ áp dụng cho riêng Hà Nội. Mong sao đây là bước đột phá đưa giá bất động sản tiếp cận sát giá thực.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 24/09/2010
- 17