• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường bất động sản: Đồng vốn - nơi thiếu, nơi thừa

 

Các DN kinh doanh BĐS vẫn gặp khó khăn về vốn. Ảnh : Trung Kiên

 

Khó vay do lãi cao

Mặc dù, lãi suất đã hạ đáng kể so với giữa năm, song các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS vẫn cho rằng, mức      17-18%/năm là rất cao. Theo ông Trần Minh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), với tỷ lệ lãi suất vay vốn như hiện nay (phổ biến là 17-18%), DN kinh doanh BĐS vẫn rất khó khăn. Quá trình đầu tư dự án BĐS thường kéo dài. Gặp lúc thị trường đóng băng như hiện nay, khả năng bị đọng vốn là khó tránh khỏi. DN lớn còn đỡ chứ DN nhỏ và vừa chỉ cần mắc 1-2 dự án với số vốn mắc kẹt trên dưới 200 tỷ đồng thì lãi suất cao khiến họ chật vật. Theo ông, trong điều kiện thị trường ổn định, lãi suất trên 10%/năm, DN sẽ dễ xoay xở.

 

Cũng theo phản ánh của các DN, hiện nay, ngân hàng thẩm định rất chặt các dự án BĐS. Dự án phải rất hấp dẫn mới được vay. Song DN tính toán vay hay không còn phải căn cứ vào mức lãi suất. Nếu mức lãi suất cao thì ngân hàng có sẵn sàng cho vay, DN cũng không dám vay vì sợ lỗ - lãnh đạo một DN nói.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tổng dư nợ cho vay BĐS đạt trên 115.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,15% tổng dư nợ. 73,9% số dư nợ này tập trung cho vay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điểm chung của hai địa bàn này là tỉ lệ dư nợ cho vay trung, dài hạn trên tổng dư nợ cho vay BĐS đều chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức thấp. Mức dưới 10% là trong tầm kiểm soát và không gây rủi ro.

 

Không lo khủng hoảng bất động sản

Đối chiếu với cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng BĐS tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, do có những đặc điểm khác so với thị trường Mỹ và Việt Nam chưa có khung pháp lý cho việc "chứng khoán hóa BĐS nên chưa có việc các ngân hàng phát hành trái phiếu cho BĐS thế chấp. Vì vậy, tuy có hạn chế về huy động vốn cho thị trường BĐS nhưng chưa có những rủi ro do "chứng khoán hóa" BĐS gây nên. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này vẫn nằm trong phạm vi an toàn.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, dưới góc độ tài chính, thị trường Việt Nam không có những rủi ro do "chứng khoán hóa" BĐS gây nên, song cũng có biểu hiện tác động ngược từ thị trường BĐS tới thị trường tài chính, ngân hàng thông qua việc vay vốn thế chấp để đầu cơ BĐS nhưng nhỏ hơn về quy mô và mức độ.

 

Ghi nhận của Bộ Xây dựng cho thấy, việc cho vay mua bán BĐS cũng có biểu hiện dễ dãi, nhất là vào thời điểm cuối năm 2007, do bùng nổ sự ra đời các ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm 2006 đầu năm 2007, tạo áp lực cạnh tranh trong kinh doanh quay vòng vốn. Có những ngân hàng cho vay mua BĐS đến 70% giá trị BĐS thế chấp tại thời điểm giá cao. Có những ngân hàng cho DN vay tín chấp hoặc thế chấp bằng chính dự án với số vốn lớn để đầu tư BĐS. Như vậy, cũng xuất hiện nguy cơ khi thị trường trầm lắng, giá BĐS giảm, người vay không có khả năng thanh toán sẽ dẫn đến hiện tượng mất tính thanh khoản và "tự lỗ", nếu xử lý không khéo cũng có thể có hiện tượng mất niềm tin với ngân hàng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cảnh báo, mặc dù chưa có khung pháp lý cho việc "chứng khoán hóa" BĐS thế chấp, nhưng cũng có hiện tượng DN kinh doanh BĐS ban hành trái phiếu DN và cho người mua trái phiếu quyền ưu tiên mua BĐS. Theo quy định, trái phiếu DN cũng có quyền chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố.

Theo Hà Nội Mới

  • 0
  • By Admin
  • 19/11/2008
  • 17