Thị trường bất động sản: Đã "tan băng"?
Những chuyển biến tích cựcDưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam rơi vào một thời kỳ dài ảm đạm. Khá nhiều nhà đầu tư BĐS rơi vào tình trạng điêu đứng khi giá nhà đất cứ sụt giảm liên tục, vốn của họ rơi vào trạng thái “đóng băng” do việc mua bán BĐS diễn ra hết sức ì ạch. Đỉnh điểm là vào thời điểm tháng 5/2009, giá đất và căn hộ tại TP.HCM đạt mức kỷ lục khi giảm tận “đáy”.
Thị trường BĐS đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Giá nhà ở thuộc các dự án, khu dân cư tăng nhẹ, trung bình từ 1 - 3% tại các An Phú – An Khánh (Quận 2), căn hộ Mỹ Khánh thuộc dự án Phú Mỹ Hưng (Quận 7)… Giá đất nền cũng đang có những chuyển biến tích cực khi các khu vực thuộc dự án Hưng Gia - Hưng Phú (Quận 7), dự án Him Lam - Kênh Tẻ tăng từ 2,5 - 14%.
Bên cạnh đó, một số dự án mới được xúc tiến hoặc khởi công như khu tứ giác Mã Lạng, dự án căn hộ Anh Tuấn (huyện Nhà Bè), dự án Thung Lũng Xanh (Đồng Nai), dự án Thủ Thừa (Long An)… Ngoài ra, một nguyên nhân nữa giúp thị trường BĐS nhích dần lên là do một lượng lớn người dân nhận tiền đền bù, giải toả từ khu đô thị Thủ Thiêm cũng đang rục rịch tìm mua đất để tái định cư hoặc đầu tư ngược lại BĐS để sinh lợi.
Bài toán với nhiều đáp án
Những chuyển biến tích cực từ thị trường BĐS như một cơn mưa nhẹ, thổi chút sinh khí vào mảnh đất vốn đã khô cằn do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu này vẫn chưa hẳn là đáp án cho bài toán “tan băng” của thị trường.
Xét trên bình diện chung, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa đến lúc thoái trào, tình hình lạm phát vẫn đang hiện ở mức cao. Tỉ giá USD và giá vàng lại luôn luôn biến động khiến thị trường này thu hút mạnh dòng tiền đầu tư của người dân do tâm lý ít bị chôn vốn một thời gian dài như BĐS. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt cho vay phi sản xuất của các ngân hàng nhà nước cũng gây ra nhiều áp lực với thị trường BĐS vốn đang “èo uột” như hiện nay.
Từ thực trạng trên, những nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS đang có khá nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về sự “hồi sinh” của thị trường. Một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về sự biến động liên tục của giá nhà, đất dẫn đến tâm lý e ngại khi quyết định đầu tư.
Việc xiết chặt tín dụng cho vay trong lĩnh vực BĐS cộng với mức lãi suất cho vay khá cao, từ 12,5 đến gần 13%/ năm cũng là lý do khiến họ không an tâm về sự phục hồi của thị trường.
Song song đó, một số nhà đầu tư lại có cái nhìn khách quan hơn về thị trường đầy biến động này. Với bộ phận này, thị trường BĐS như một người mới bệnh dậy, nó cần được chăm sóc và ưu ái nhiều hơn mới có thể lành bệnh.
Tuy nhiên, những chuyến biến của thị trường hiện nay vẫn chỉ là “liều thuốc” chưa đủ “đô” hòng trị dứt căn bệnh trầm kha. Nó chỉ có thể nhích dần lên nhưng sẽ khá chậm và khó mà đạt được trạng thái năng động như thời gian trước vì còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế và nhiêu khê trong thủ tục hành chính.
Dù vậy, nhu cầu về nhà ở, nhà ở cho thuê, văn phòng cho thuê ở nước ta vẫn là một nhu cầu khá lớn. Do vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào sự phục hồi và tiếp tục phát triển của thị trường dù băng cách này hay cách khác.
Các dự án lớn tại khu tứ giác Bến Thành, khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, hàng loạt dự án về cơ sở hạ tầng cũng như Nghị quyết (NQ) số 19/2008/NQ-QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam… là những minh chứng cụ thể giúp họ càng mong đợi sự trở lại ngoạn mục của thị trường BĐS mà theohọ cho rằng vào cuối năm nay.
Trước thực trạng đó, việc các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng quan về thị trường để chọn cho mình một lộ trình an toàn và đúng đắn là một bài toán khá nan giải. Để làm được điều này, nó đòi hỏi những lý giải sâu sắc về cục diện thị trường, chia sẻ thực tiễn được đúc kết từ kinh nghiệm cũng như những dự đoán về thị trường BĐS trong thời gian tới từ các chuyên gia trong lĩnh vực.
Mặt khác, nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ cho thị trường, cải cách trong thủ tục hành chính nhằm giảm bớt các thủ tục, ngăn chặn tiêu cực thì mới tạo điều kiện cho thị trường BĐS sớm phục hồi và phát triển bền vững. Bởi khi các nhà đầu tư xắn tay vào cuộc, cung cấp thêm nhiều hàng cho thị trường, khách hàng có thêm lựa chọn và ngăn chặn những cơn sốt ảo phi lý.
Theo VietNamNet
- 0
- By Admin
- 24/09/2009
- 17