Thị trường bất động sản Đà Lạt: Con ngựa bất kham
Đà Lạt nằm trong rừng là một nguyên lý bất biến!
Không còn là “sóng ngầm”
Đà Lạt của Lâm Đồng là thành phố du lịch nằm trên cao nguyên Langbian vốn nổi tiếng bởi không những có khí hậu quanh năm mát mẻ và là xứ hoa quyến rũ mà sức hút của miền cao này còn là chính ở bộ mặt đô thị dường như có một không hai ở Đông Dương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước cơn lốc của đô thị hoá cùng với sự phát triển đến thái quá các dự án bất động sản (BĐS), đặc biệt là BĐS du lịch, bộ mặt của thành phố du lịch Đà Lạt đang dần bị biến dạng.
Là một thành phố du lịch, những năm qua, tuy không “dậy sóng” (hoặc im lặng một cách bất thường) như nhiều địa phương khác nhưng “phong trào” đầu tư BĐS ở Đà Lạt vẫn diễn ra trong trạng thái “sóng ngầm” trước đây và bây giờ là trên “sóng ngầm”. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng, mặc dầu tỉnh không chủ trương thu hút đầu tư vào BĐS Đà Lạt nhưng trong thực tế, tính chất “sóng ngầm” và trên “sóng ngầm” của thị trường BĐS tại đây lại là một thực tế hiển nhiên.
Và, thực tế đó là điều khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi: Nên hay không nên phát triển BĐS ở Đà Lạt? Có lẽ, câu hỏi trên được đặt ra trong lúc này đã là khá muộn, bởi như một nhà đầu tư du lịch tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) bộc trực rằng: “BĐS Đà Lạt đến lúc này không còn là “sóng ngầm” nữa đâu, mà đã là “sóng cả” rồi!”. Mà, khi đã là “sóng cả” thì tác dụng hai mặt tích cực và tiêu cực của một vấn đề BĐS Đà Lạt hẳn được biểu lộ một cách rõ ràng hơn. Do đó, làm thế nào để phát huy tính tích cực và đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong thị trường BĐS Đà Lạt mới là điều quan trọng.
Không còn là “sóng ngầm” và hơn thế, thị trường BĐS Đà Lạt đang có “triệu chứng” của con ngựa bất kham, bởi lẽ: Hiện Đà Lạt có ít nhất 2 dự án biệt thự rao bán 31 căn, 1 dự án căn hộ để bán gồm 30 căn, 1 dự án đất nền để bán gồm 16 lô và 3 dự án biệt thự cho thuê gồm 34 căn. Mới đây, một công ty lớn cũng đã được chấp nhận triển khai một dự án với 9 dãy biệt thự có diện tích sử dụng từ 400 - 850m2/căn ngay trong khu rừng hồ Tuyền Lâm (nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai).
Rừng thông cùng với “bộ mặt đô thị kiến trúc” của Đà Lạt hẳn sẽ không vẹn toàn bởi những dự án bất động sản “mang tên” du lịch này. Một ví dụ điển hình và “nóng” nhất: Trong tháng 7.2010, chính quyền Đà Lạt đã yêu cầu cơ quan chức năng của TP phải vào cuộc để điều tra làm rõ một vụ tàn phá bộ mặt Đà Lạt xảy ra tại sau Dinh I khiến cho 5.000m2 rừng thông bị biến dạng, do một công ty đang lập dự án thuê đất rừng làm du lịch gây nên.
Quá nhiều dự án
Phải thẳng thắn mà nói là trong thời gian gần đây, dù muốn hay không, thị trường BĐS ở Đà Lạt vẫn diễn tiến theo quy luật của nó: Không tự triệt tiêu khi mà thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào cấp độ tiền tệ hoá và manh nha cấp độ tài chính hoá. Vài năm qua, hàng loạt dự án BĐS trên các lĩnh vực du lịch, khu chung cư, sân golf, y tế, giáo dục... trên địa bàn Đà Lạt được các nhà đầu tư triển khai khá rầm rộ khiến cho “con ngựa BĐS” ở đây tuồng như có lúc bất kham như trên đã nói.
Hiện Đà Lạt đã có một mảnh đất BĐS màu mỡ ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm đang được các nhà đầu tư khai thác một cách quyết liệt và cũng sẽ có một mảnh đất BĐS ở Đan Kia Suối Vàng hứa hẹn những mùa bội thu khi thành phố này trong tương lai tìm được đối tác mới sau hai đối tác Singapore và Nhật lỗi hẹn bất đắc dĩ.
Rồi nữa, Đà Lạt cũng đang có một nhà đầu tư đến từ Singapore - Six Senses - làm sống dậy cụm biệt thự 19 ngôi trên đường Lê Lai (dãy biệt thự vốn là nơi ngụ cư của dân “nhảy dù” hoặc bỏ hoang): Biến thành một Ana Mandara Villas Dalat bắt đầu nổi tiếng. Hoặc, đó còn là khu resort cao cấp 13 biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo vừa được nhà đầu tư Cadasa (Công ty cổ phần đào tạo và nghiên cứu Cadasa) thổi hồn làm sống dậy sau rất nhiều năm hoang phế bởi bàn tay của Liên doanh DRI (Dalat Resort Inc.).
“Sóng lớn” của thị trường BĐS Đà Lạt còn được nhận diện bởi nhà đầu tư Sacom (Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông) vào tháng 7.2009 chính thức khởi động dự án Sacom Resort tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm có quy mô vốn lên đến 2.250 tỉ đồng để xây dựng 230 biệt thự siêu cao cấp, 1 khách sạn 5 sao và 1 sân golf 18 lỗ trên diện tích đất 278ha.
Cùng với Sacom, Công ty cổ phần đầu tư Gia Tuệ đến từ phía bắc cũng tham gia vào thị trường BĐS Đà Lạt bằng hai dự án Galaticos Living và Hotel de Royale với quy mô 9 biệt thự hạng sang theo phong cách Châu Âu, một tổ hợp khách sạn 5 sao cùng hàng loạt resort đẳng cấp quốc tế được xây dựng trên diện tích đất hơn 210ha tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm.
Dường như trong thực tế, dẫu không được công khai kêu gọi đầu tư BĐS từ phía chính quyền nhưng thị trường BĐS Đà Lạt vẫn đang là mảnh đất rất màu mỡ dành cho các nhà đầu tư “dấn thân” khai thác. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cadasa Nguyễn Thế Hùng không giấu sự phấn chấn khi kể lại rằng, sau 19 phiên đấu giá căng thẳng, Cadasa của ông đã vượt qua được nhà đầu tư bất động sản Indochina Land để giành quyền đầu tư tôn tạo và nâng cấp dãy biệt thự cổ 13 căn trên đường Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) với mức giá cho thuê không hề thấp và cũng không dễ sinh lợi ngay sau khi phải bỏ ra 10 triệu USD để trùng tu.
Và, trong thực tế, con ngựa bất kham” là hình ảnh ví von dành cho thị trường BĐS Đà Lạt trong hiện tại. Theo số liệu của UBND TP.Đà Lạt, tổng số dự án về biệt thự và căn hộ cao cấp đã và sắp triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố này hiện đã lên đến con số xấp xỉ 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến trên 13.000 tỉ đồng và tổng diện tích đất được đưa vào sử dụng chạm mức 3.000ha.
Cái hậu của việc kêu gọi các nhà đầu tư “dấn thân” vào thị trường BĐS Đà Lạt, nhất là phân khúc BĐS du lịch, như thời gian qua luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Điều quan trọng là phải biết điều chỉnh con ngựa bất kham của thị trường BĐS Đà Lạt - TP được mệnh danh là “tiểu Paris” - này như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất!
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 04/08/2010
- 17