• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường bất động sản 2016 sẽ về đâu?

- Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thị trường BĐS năm 2015 vừa qua?

Thị trường BĐS năm 2015 đã thực sự bước chân ra khỏi thời kỳ khủng hoảng kéo dài từ 2008-2013. Đặc biệt, năm nay thị trường căn hộ cao cấp và hạng sang đã chiếm lĩnh thị phần với số lượng sản phẩm “khủng” chưa từng có từ trước tới nay. Cụ thể là 1/3 số sản phẩm được chào bán trong năm 2015 là thuộc phân khúc cao cấp.

Về BĐS tầm trung, năm nay không mấy khởi sắc về nguồn cung vì lượng sản phẩm chào bán thấp. Tuy nhiên, mức thanh khoản của thị trường này vẫn luôn giữ được vị trí dẫn đầu trong tất cả các phân khúc. Những tháng cuối năm, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bắt đầu tập trung trở lại phân khúc này.

Về phân khúc nghỉ dưỡng, tôi thật sự ấn tượng với những cái tên Vingroup, Sun Group… đang mạnh dạn đổ vốn vào phân khúc “xa hoa” này. Hơn nữa, những chính sách mở từ chính phủ và các hiệp định được ký kết cũng tạo điều kiện, nền tảng để các doanh nghiệp tự tin đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực BĐS.

Ông Bùi Xuân Hiền, Tổng Giám Đốc Công ty CP Nhà Phương Nam Việt Nam
Ông Bùi Xuân Hiền, Tổng Giám Đốc Công ty CP Nhà Phương Nam Việt Nam

- Ông dự đoán như thế nào về thị trường năm 2016?

Tôi tin chắc rằng thị trường năm 2016 sẽ còn tốt hơn nữa. Kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất ở mức tốt nhất. Những luật và chính sách mới được ban hành như Luật Đất đai 2013; Luật Xây dựng 2014; Luật Nhà ở 2014; Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Đầu tư 2014; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ giải quyết nợ xấu và Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/08/2014 về sửa đổi, bổ sung cho nghị quyết 02/NQ-CP… sẽ rõ ràng hơn về mặt thủ tục pháp lý cũng như các văn bản hướng dẫn kèm theo. Từ đó, việc giao dịch cũng sẽ được đẩy mạnh hơn. Điển hình như luật nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặc lớn trên thị trường BĐS. Điều này đã thu hút được lượng khách hàng nước ngoài đang muốn định cư và làm việc tại Việt Nam, cũng như lượng khách ngoại muốn đầu tư vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng cao cấp.

Bên cạnh đó, trong năm này Việt Nam đã tham gia ký kết 4 Hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng: TPP, AEC, RCEP và hiệp định thương mại FTA Việt Nam EU. Đây chính là cơ hội để đưa kinh tế và sản xuất trong nước đi xa hơn.  Bốn hiệp định này sẽ tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển và tác động gián tiếp đến thị trường BĐS trong tương lai. BĐS Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn trên thị trường khu vực cũng như quốc tế. Mặt khác, đây cũng là cầu nối thông thoáng để dòng vốn ngoại sẽ trực tiếp đổ vào khối thương mại cũng như phân khúc nghỉ dưỡng tại thị trường Việt Nam. Tất nhiên, việc này cũng là một trở ngại của các doanh nghiệp, nhưng thị trường phải có cạnh tranh thì mới phát triển tốt hơn được.

- Vậy theo ông, thị trường BĐS năm 2016 sẽ tập trung nguồn vốn nhiều nhất vào phân khúc nào? Vì sao?

Theo tôi, nguồn vốn sẽ tiếp tục tập trung cho phân khúc cao cấp và hạng sang vì nó vẫn đang trên đà phát triển tốt và được dự báo là sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong năm tới, hơn nữa, rõ ràng đầu tư vào phân khúc này mất rất nhiều chi phí nhưng lợi nhuận thu lại cũng rất cao. Năm 2015, phần lớn các CĐT có nguồn vốn dồi dào đều muốn tập trung cho phân khúc thu về nhiều lợi nhuận này. Đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng bắt đầu được quan tâm và đầu tư nhiều hơn.

Không những thế, khách hàng cũng đang dần chú ý đến việc đầu tư BĐS nghỉ dưỡng để sinh lời. Thay vì đầu tư vào các kênh đầu tư khác gặp nhiều rủi ro thì đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng sẽ sinh lợi nhuận nhiều hơn vừa có thể cho thuê với giá cao vừa nắm giữ được tài sản cố định, ít rủi ro hơn.  
Với đà phát triển ổn định như hiện tại kéo dài đến cuối năm 2016 thì tôi dự đoán, nguồn vốn có thể tập trung cho phân khúc nghỉ dưỡng cũng như lượng sản phẩm sẽ tăng khoảng 20%.

- Ông dự báo như thế nào về thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong năm tới?

BĐS nghỉ dưỡng là một xu thế mới cho BĐS 2016 và cả trong tương lai. Các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Singapore đã tập trung đầu tư cho phân khúc này rất nhiều. Những năm trước đây, Việt Nam cũng có đầu tư cho phân khúc nghỉ dưỡng, tuy nhiên chưa đủ mạnh và không có nhiều thuận lợi như hiện nay. Như tôi đã trả lời ở trên, năm 2015, nước ta đã ký kết nhiều hiệp định và thay đổi Luật, chính sách, trong đó hiệp định TPP và FTA được thông qua thì BĐS nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ là thời điểm bùng nổ của phân khúc tiềm năng này.

- Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đầu tư vào phân khúc nghỉ dưỡng không, khi các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ ưu thế này vì có nguồn vốn mạnh hơn?

Việt Nam một trong những nước có vùng biển đẹp nhất thế giới. Thực tế cho thấy, những năm trước đây, doanh nghiệp nội hầu như chủ yếu tập trung đầu tư các phân khúc như căn hộ hay văn phòng cho thuê, nhà phố hoặc chỉ liên kết với khối ngoại để đầu tư phân khúc nghỉ dưỡng. Nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh cũng đã dám bỏ vốn đầu tư vào phân khúc này nắm giữ vai trò thống lĩnh trong sân chơi này. Những cái tên như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, LDG Group… đang nổi lên với nhiều dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Dẫn đầu làn sóng phát triển BĐS nghỉ dưỡng phải kể đến Vingroup với lợi thế thương hiệu dịch vụ du lịch Vinpearl đã mạnh tay chi gần 9.000 tỷ đồng phát triển một loạt dự án nghỉ dưỡng lớn như Vinpearl Villas Phú Quốc, vườn thú Safari Phú Quốc, Vinpearl Villas Nha Trang, Vinpeal villas Đà Nẳng…. và mô hình căn hộ dịch vụ Condotel.

Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh ở những nước tiên tiến vì nhu cầu con người ngày càng cao, khi bạn đã có nhà để ở bạn thường nghĩ đến lựa chọn tiếp theo về sở hữu BĐS và BĐS nghỉ dưỡng là lựa chọn sang trọng nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Diệp Tuyền
(Theo Nhịp sống thời đại)

  • 0
  • By Admin
  • 04/01/2016
  • 17