• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường bán lẻ chao đảo bởi các thương vụ M&A

Thống kê mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Trên địa bàn cả nước hiện đang có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại (TTTM) và cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi), tức mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.

Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đang có khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ “nội” phần lớn có quy mô nhỏ, với nhiều khó khăn về hệ thống phân phối, năng lực quản trị, liên kết thì các doanh nghiệp nước ngoài lại là những ông lớn có nguồn vốn khủng và có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng mặt bằng nên rất dễ dàng thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam.

“Hiện tượng” Aeon Long Biên

Khi đã bước được một chân vào thị trường Việt Nam, bao giờ các ông lớn ngoại cũng đặt mục tiêu mở rộng và thâu tóm thị trường. Theo đại diện Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc - Lotte, tập đoàn này đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở tổng cộng 60 siêu thị tại Việt Nam. Trong khi đó, tập đoàn Auchan của Pháp hay Aeon của Nhật cũng cho biết sẽ mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam với 40 hệ thống siêu thị, TTTM bằng nhiều cách, rõ nét nhất là M&A.

Mới đây, phát biểu tại buổi lễ khai trương TTTM Aeon Mall Long Biên, đại diện Aeon cho rằng, sở dĩ thương hiệu thành công tại Việt Nam chủ yếu nhờ sự tin tưởng của người dân, do đó doanh nghiệp quyết định liên kết với Citimart và Fivimart – những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm gần 20 năm trong thị trường bán lẻ – thông qua hình thức góp vốn để để nắm rõ văn hóa, đời sống của người dân. Tính đến cuối năm 2014, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản này cho biết đã mua cổ phần của Citimart và Fivimart lần lượt là 49% và 30%.

Trong khi nhiều TTTM tại Hà Nội vẫn đang lâm cảnh ế ẩm thì có thể nói Aeon Mall Long Biên trở thành 'hiện tượng' khi thu hút một lượng lớn khách hàng ngay sau ngày khai trương. Được biết, đến nay trung bình TTTM này đã đón tiếp hơn 90.000 lượt khách mỗi ngày.

Theo đại diện của Aeon, tính đến hết ngày 07/11 vừa qua, Aeon Mall Long Biên đã đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách viếng thăm, mua sắm, trong đóm, riêng ngày khai trương lượng khách đạt 160.000 lượt. Như vậy, bằng cách góp vốn vào những đơn vị đã có chỗ đứng và kinh nghiệm bán lẻ lâu năm để vào thị trường Việt Nam, có thể sắp tới Aeon sẽ trở thành cái tên đáng gờm tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

M&A càn quét

mặt bằng bán lẻ
Do có nguồn vốn khủng nên các doanh nghiệp nước ngoài rất thuận lợi trong việc mở rộng mặt bằng, từ đó thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam

Thực tế phương thức dùng M&A để thâm nhập và thâu tóm thị trường bán lẻ Việt như Aeon không phải là cách làm mới. Trước doanh nghiệp này đã có nhiều đại gia bán lẻ ngoại sử dụng hình thức này này. Đơn cử, Auchan (Pháp), đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C…, đã từng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty CP Hóa dầu Quân đội, đồng thời là bản hợp đồng thuê mặt bằng Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên.

Như vậy, ông lớn của ngành bán lẻ hàng đầu nước Pháp - Auchan đã chính thức đặt chân đến thị trường Hà Nội, chính thức kế hoạch triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại miền Bắc. Được biết, siêu thị mới này có diện tích 3.700 m2, đặt tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên.

Dự kiến, siêu thị Simply Mart tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên sẽ đi vào hoạt động bắt đầu từ năm 2016, đúng thời điểm Dự án MIPEC Reverside của MIPEC bàn giao căn hộ cho khách hàng. Theo đó, Simply Mart Long Biên sẽ cung ứng từ 1.000 - 4.500 chủng loại sản phẩm gia dụng cho người tiêu dùng Hà Nội.

Ông Gilbert Infantes, thành viên Ban điều hành Tập đoàn Auchan, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị Simply Mart để đến năm 2020 sẽ phủ kín toàn khu vực phía Bắc với hệ thống gồm 20 siêu thị”. Bên cạnh đó, tại thị trường phía Nam, Auchan cũng hợp tác với Tập đoàn C.T để phát triển hệ thống siêu thị S-Mart và cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng hệ thống Simply Mart vào năm 2016.

Mới đây, thương hiệu bán lẻ Lotte cũng đã bất ngờ công bố đã nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu tới 70% cổ phần. Ông Hong Won Sik, TGĐ Công ty TNHH Lotte Việt Nam cho rằng, M&A chính là cách để Lotte phát triển tại thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các mô hình bán lẻ giống như chiến lược đầu tư của Lotte Mart vào ngành bán lẻ tại Trung Quốc và Indonesia.

Thực tế, chiêu M&A để thâm nhập thị trường bán lẻ không chỉ được thự hiện bởi các ông lớn ngoại, mà trong nước, tập đoàn Vingroup cũng đang thông qua M&A để nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Cụ thể, vào ngày 26/10 vừa qua, việc tập đoàn này mua lại 100% cổ phần của hệ thống TTTM, siêu thị Maximark của công ty CP Đầu tư An Phong đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi Vingroup chỉ mất 2 tuần đển đàm phán và hoàn tất thương vụ này.

Tính đến nay, Vingroup đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng chính thức công bố bán 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý bất động sản cho tập đoàn Vingroup và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành Vinmart.

Năm 2015, Vingroup lại tiếp tục thâu tóm 100% cổ phần của Vinatexmart. Đây là hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng. Với thương vụ này, Vingroup được sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart gồm 39 cửa hàng. Ngoài ra, tập đoàn này còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỷ đồng) công ty Hợp Nhất và đổi tên thành công ty Vinlinks, nhằm cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.

Bên cạnh đó cũng phải nhắc tới hàng loạt động thái M&A của nhiều thương hiệu khác như Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry hay nắm quyền điều hành Tập đoàn Phú Thái – với hệ thống Family Mart – từ năm 2013. Ngoài ra, trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, Tập đoàn Central (Thái Lan) cũng mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, hay Tập đoàn Nojima (Nhật Bản) nắm quyền sở hữu gần 31% cổ phần của Trần Anh… Những con số này phần nào cho thấy sóng M&A hứa hẹn sẽ phân chia lại thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới với sự hiện diện và giành giật của rất nhiều đại gia bán lẻ ngoại.

  • 0
  • By Admin
  • 10/11/2015
  • 17