Thị trường BĐS suy giảm ở tất cả các phân khúc nhà ở
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: Hiện tượng “làm giá”, thu chênh lệch, không công khai thông tin của các sàn giao dịch bất động sản vẫn chưa được kiểm soát, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Dư thừa nhà ở cao cấp
Báo cáo của Bộ Xây Dựng trong 6 tháng đầu năm thể hiện, ngành xây dựng đã triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ, cắt giảm 12 nghìn tỉ đồng đầu tư, giảm 26% kế hoạch. Các Tập đoàn, Tổng công ty ngành xây dựng cũng tập trung vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn kinh doanh. Tổng giá trị sản xuất của các đơn vị trong ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm đạt gần 76 nghìn tỉ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lơi nhuận 2200 tỉ đồng.Dư thừa nhà ở cao cấp, thừa kéo theo sự suy giảm của cả thị trường. |
Riêng về vấn đề bất động sản, theo đánh giá chung của Bộ Xây Dựng, trong 6 tháng, thị trường suy giảm ở tất cả các phân khúc nhà ở do sự mất cân đối của các phân khúc nhà, dư thừa nhà ở cao cấp, thừa kéo theo sự suy giảm của cả thị trường.
Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP có sự giảm giá và trầm lắng về giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường.
Nguyên nhân chính được Bộ Xây Dựng chỉ ra, do ngân hàng thực hiện chủ trương không tăng tỷ trọng tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có tín dụng bất động sản, nguyên nhân liên quan đến cơ cấu bất động sản nhà ở chưa hợp lý, căn hộ nhà chung cư chiếm tỷ trọng nhỏ trong các dự án phát triển nhà ở đô thị; các chủ đầu tư quan tâm nhiều tới việc đầu tư các loại bất động sản cao cấp (căn hộ chung cư có diện tích lớn hơn 120 m2, nhà biệt thự, nhà liên kề ) mà chưa quan tâm đến đầu tư các căn hộ chung cư có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp dẫn đến hiện tượng bão hòa chung cư cao cấp.
Đặc biệt, do lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu; việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương cũng khá dễ dãi, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở.
Các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo trên giấy, gây nhiễu loạn thông tin dự án trên thị trường.
Tập trung phân khúc thị trường nhà ở trung bình và thu nhập thấp
Theo báo cáo, trên toàn quốc có 913 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Hiện tượng "làm giá", thu chênh lệch, không công khai thông tin của các sàn giao dịch bất động sản vẫn chưa được kiểm soát, gây dư luận không tốt trong xã hội.Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định: thời gian tới, để thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh các Chương trình nhà ở xã hội trọng điểm... Đặc biệt ngành sẽ tập trung vào phân khúc thị trường nhà ở trung bình, nhà ở thu nhập thấp qua đó tạo đòn bẩy thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo ở nông thôn về nhà ở. Trong năm 2011, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 251 nhà cho sinh viên, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 sinh viên
Hiện nay Bộ Xây dựng đang dự thảo Chỉ thị về bình ổn thị trưởng bất động sản, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Đề án Nhà ở tái định cư, Đề án Nhà ở cho thuê, Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở cũng đang được triển khai nghiên cứu, dự kiến sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2011.
(Theo GDVN)
- 0
- By Admin
- 20/07/2011
- 17