Thị trường BĐS không ảnh hưởng vì người nước ngoài
Người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam năm nay. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nghị quyết số 19/2008 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Tuy nhiên, hiện giao dịch vẫn chưa thể thực hiện vì còn chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường bất động sản (Cục QLN) thuộc Bộ Xây dựng, cho biết: Bộ Xây dựng hoàn tất việc lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn tất dự thảo nghị định và đang lấy ý kiến các thành viên chính phủ trước khi Thủ tướng ký ban hành. Theo kế hoạch, nghị định sẽ được ký ban hành ngay trong quý I/2009.
Theo ông Vũ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Quản lý Nhà ở, Cục QLN, ngay sau khi ban hành Nghị định hướng dẫn, người nước ngoài có thể thực hiện các quyền mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ông Cường cho biết thêm, dự thảo nghị định cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết để các giao dịch có thể triển khai thuận lợi và các tỉnh, thành phố không cần phải quy định thêm các thủ tục, giấy tờ.
Liệu có vướng mắc gì khi triển khai chủ trương này trong thực tế? Ông Cường cho rằng khi có đầy đủ các điều kiện mua và sở hữu nhà, thủ tục mua bán, giao dịch, cấp sổ đỏ đối với người nước ngoài được áp dụng như công dân Việt Nam.
“Tôi chỉ lo ngại đó là tiến độ cấp sổ đỏ tại nhiều địa phương hiện còn chậm. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người mua nhà” - ông Cường bày tỏ.
Để giao dịch được thật sự thông thoáng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan hành chính, thủ tục xác nhận đối tượng mua nhà cần được nhanh gọn vì nếu chỉ chậm một khâu hay thiếu một loại giấy tờ sẽ làm tắc cả giao dịch...
Về tác động của quy định này đối với thị trường bất động sản, Cục QLN cho rằng, sẽ không có ảnh hưởng lớn vì số lượng người nước ngoài muốn mua nhà ở còn thấp so với nguồn cung hiện nay.
Hiện có trên 80.000 người nước ngoài đang làm việc, sinh sống và học tập tại Việt nam. Trong đó, có khoảng 1.600 người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, tổ chức phi Chính phủ; khoảng 25.000 người nước ngoài đang làm việc trong các dự án đầu tư; khoảng 55.000 người đang làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ...
Theo Tiền Phong
- 0
- By Admin
- 11/02/2009
- 17