"Thị trường BĐS ít bị tác động từ việc siết cho vay"
Vốn chủ yếu từ người mua
- Phóng viên: Nhiều người cho rằng, với chính sách này, nhà đất sẽ đóng băng vì thiếu vốn, thưa ông?+ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Tôi cho rằng thị trường BĐS ít bị tác động bởi chính sách vừa rồi (hạn chế cho vay BĐS - PV). Vì BĐS có độ trễ rất lớn. Khi siết cho vay, vốn đổ vào đây có giảm nhưng chậm hơn các ngành khác. Khi mở tín dụng thì nguồn vốn có tăng lên nhưng chậm hơn.
Doanh nghiệp (DN) làm dự án nhà ở thường chỉ vay vốn ngân hàng để giải phóng mặt bằng và xây móng nhà. Với nhiều dự án nhà ở, sau khi giải phóng mặt bằng, xây móng thì được huy động vốn từ người mua. Dòng tiền từ ngân hàng rõ ràng là giảm. Nhưng dòng tiền ở trong dân vẫn còn. Luồng tiền này có bằng luồng tiền giảm đi của ngân hàng hay không thì chưa xác định được. Điều này chỉ có thể định tính được thôi. Vì vậy, thị trường vẫn hoạt động bình thường.
- Việc thắt chặt cho vay BĐS có gì bất hợp lý không, thưa ông?
+ Đưa cả việc xây nhà vào lĩnh vực phi sản xuất, để thắt chặt tín dụng, tôi cho là chưa hợp lý. Bởi xây nhà là lĩnh vực sản xuất. Thứ nhất, nó là thị trường rất lớn để thu hút vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch, ngói. Thứ hai, nó tạo ra sản phẩm hẳn hoi, đó là sản phẩm tổng hợp.
Nếu cho vay, để đi đền bù, rồi bỏ đất đấy thì đúng là gây lạm phát. Còn nếu tiền đổ vào công trình, vào việc xây nhà, thì đó lại là chuyện khác.
Phần lớn các dự án nhà ở được huy động vốn từ người mua sau khi giải phóng mặt bằng, xây móng. Ảnh: HTD |
Đầu tư vào BĐS là an toàn nhất
- Với tình trạng lạm phát như hiện nay, đồng tiền mất giá, chứng khoán bấp bênh, theo ông đầu tư vào BĐS vẫn là siêu lời và an toàn nhất?+ Hiện nguồn tiền trong dân còn nhiều, cùng với đó là vàng, USD. Trong khi đang lạm phát, chứng khoán bấp bênh thì đầu tư vào BĐS vẫn là kênh an toàn nhất. BĐS là miếng đất, ngôi nhà có vị trí, có hình hài, có chiều dài, chiều rộng, là hữu hình. Điều quan trọng là nó không “đẻ” ra thêm nữa. Việc mua nhà đất ở hai miền cũng có sự khác nhau. Ở miền Nam, người dân đi vay tiền để mua nhà đất và hiện nhu cầu về nhà ở của người dân thấp hơn. Ở miền Bắc, chủ yếu người dân mua nhà đất từ tiền tích lũy.
Thực tế mấy tuần nay, giá BĐS ở Hà Nội tăng vọt và việc mua bán cũng tăng. Dân mình cứ lúc nào tăng giá thì lao vào mua. Hay nói cách khác, cứ lao vào mua thì giá tăng. Thị trường sôi động lên. Tuy nhiên, tôi không cho rằng thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ sôi động một cách ồn ào.
- Số lượng căn hộ giá thấp sắp tung ra thị trường trong thời gian tới khá lớn, giá khoảng 14 triệu đồng/m2. Điều này có làm giá nhà đất nói chung giảm xuống?
+ Số nhà này không kéo được giá của các mảng nhà đất khác giảm xuống. Nhưng nó có tác động làm cho giá ở mảng nhà đất khác không “bật” lên được cao. Mảng nhà giá thấp và mảng nhà giá cao khác nhau về đối tượng. Đó là hai chợ khác nhau. Nhưng nếu không có nhà thu nhập thấp, thì những người cần nhà vẫn bắt buộc phải vay mượn đi mua nhà giá cao. Vì có nó nên một bộ phận sẽ chuyển sang mua nhà giá thấp. Nó cũng góp phần làm giảm cầu ở mảng nhà khác. Về mặt đại cục mà nói thì nhà giá thấp làm bình ổn thị trường.
Kéo dài dự án, DN chết
- Giá các vật liệu xây dựng đều tăng. Điều này có tác động như thế nào đến giá nhà, thưa ông?+ Đầu vào của một ngôi nhà như xi măng, sắt thép, gạch ngói… tăng, ngay cả lương cũng tăng và nhiều thứ khác cũng tăng. Việc tăng giá nhiều mặt hàng đương nhiên sẽ “chui” vào giá thành các công trình xây dựng. Giá nhà nói riêng và giá BĐS nói chung cũng phải tăng, giá lên 5%-10% là điều không tránh khỏi. Nhưng sẽ tăng lên một cách bình ổn theo quy luật. Như vậy vẫn được coi là ổn định. Nhưng nếu tăng đột biến 50% thì là bong bóng. Tuy nhiên, giá thành nhà không quyết định đến giá bán.
Các nhà kinh doanh BĐS trước đây chuẩn bị 10 đồng để mua vật liệu, bây giờ phải có 11 đồng mới mua được. Và trong rất nhiều hợp đồng kinh doanh dùng giá là tiền Việt nhưng lại được đảm bảo bằng giá đôla. Vì vậy, việc tăng giá vật liệu xây dựng không ảnh hưởng nhiều lắm về mặt tiến độ. Các nhà thương mại vẫn phải làm, vì càng kéo dài thì DN càng chết. Họ phải thích nghi với việc này thôi.
- Xin cảm ơn ông.
Hạn chế đầu cơ Một số ngân hàng trước đây cho vay nhiều vào BĐS thì bây giờ sẽ phải rút bớt xuống. Việc hạn chế cho vay cũng hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, nó cũng tác động đến những nhà đầu cơ chưa bán được hàng. Họ không có tiền vay lại để trả nợ thì có thể dư nợ quá hạn tăng lên. Bà DƯƠNG THU HƯƠNG,Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam DN khó làmViệt thắt chặt cho vay đối với BĐS chắc chắn có ảnh hưởng đến DN. Hiện chúng tôi phải đầu tư hết sức chọn lọc. Phải chọn những dự án nào ra hàng được thì đầu tư ngay, còn không thì phải dừng lại. Cùng với đó, lãi suất hiện nay quá cao. Dự án 5-7 năm thì mới quay lại thu hồi được vốn, mà lãi suất cao như vậy thì rất khó đầu tư vào BĐS. Các dự án BĐS thường vay tới 70% vốn. Lãi suất hiện nay khoảng 19%, mà còn khó vay. Ông TRẦN MINH HOÀNG,Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland |
(Theo PLTPHCM)
- 0
- By Admin
- 04/03/2011
- 17