Thị trường BĐS hồi phục khẳng định chính sách đúng đắn
Xây dựng gỡ khó cho nhiều ngành khác
Trong buổi gặp mặt, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, 2014 không phải là một năm toàn thuận lợi. Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn đạt được những kết quả quan trọng và đây là năm đánh dấu sự hồi phục của ngành này với sự nỗ lực chung của toàn ngành.
Ngành xây dựng hiện có khoảng 76.000 doanh nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, chưa tính tới các cơ quan sự nghiệp và quản lý Nhà nước tham triển khai đầu tư xây dựng và những lĩnh vực dịch vụ khác với giá trị sản xuất đạt trên 860.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng trên 10%, tồn kho BĐS giảm, lượng giao dịch gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2014, chuyển biến tích cực của thị trường BĐS đã đóng góp quan trọng vào sự hồi phục chung của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như nội thất, vật liệu xây dựng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Nhất là tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực tiền tệ, tài chính và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS, những ngành, nghề có liên quan, đồng thời thúc đẩy hồi phục tăng trưởng nền kinh tế.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu trong buổi gặp mặt |
Bộ trưởng cho biết, sự hồi phục này cũng khẳng định tính đúng đắn của quan điểm, chính sách và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS do Chính phủ ban hành trong thời gian qua. Có thể thấy, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn liền với triển khai chiến lược nhà ở quốc gia. Mục đích của chính sách này là kết nối cung cầu và khắc phục tình trạng dư thừa BĐS tại những phân khúc cao cấp, thiếu BĐS tại phân khúc trung bình. Bởi phân khúc nhà ở trung bình đáp ứng được nhu cầu của đông đảo nhân dân để mọi người đều có khả năng mua nhà. Vì thế, đây là một chính sách đúng đắn, đồng thời có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thể chế nhà đất đang dần hoàn thiện
Năm 2014 cũng là dấu mốc của sự hoàn thiện thể chế liên quan tới đầu tư triển khai nhà ở và thị trường BĐS. Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã thông qua 3 Luật quan trọng liên quan tới vị thế của ngành xây dựng. Điều này đã làm đổi mới sâu sắc nhiều quan điểm về phát triển cũng như những nguyên tắc, quy định cho việc tổ chức tiến hàng của toàn ngành xây dựng.
Các quan điểm mới được đưa vào Luật lần này đã tạo thành hành lang pháp lý vững hơn đối với ngành xây dựng. Mục đích của sự đổi mới là huy động mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh, phát triển và là công cụ khẳng định vai trò quan trọng của Nhà nước trong điều tiết phân phối, quản lý phát triển để thực hiện tốt mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong ngành xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác như quan tâm tới người dân chưa đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường.
Năm vừa qua đã đánh dấu sự trưởng thành của các doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đã đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, chuyên nghiệp hơn sau một thời gian đầu tư phát triển theo chiều rộng. Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực chung của toàn ngành xây dựng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ, vào cuộc và truyền đạt kinh nghiệm của các cán bộ lão thành đi trước.
Những điều này thể hiện truyền thống của ngành xây dựng trong hơn nửa thế kỷ qua là trí tuệ, đoàn kết và cùng phát triển để kết tinh được sức mạnh to lớn của toàn ngành. Đó chính là cơ sở nền tảng quyết định sự thành công của toàn ngành xây dựng trong những năm tiếp theo.
- 0
- By Admin
- 11/02/2015
- 17