• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường BĐS còn bị thao túng

Cơ chế đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư lại chỉ được tiến hành đối với các lô đất nhỏ lẻ, hầu hết các dự án có diện tích được tính bằng héc-ta hiện vẫn được quyết định bằng cơ chế giao đất. Từ đây nảy sinh vô vàn những khó khăn cho thị trường BĐS.

Hơn một năm trở lại đây, hàng loạt các dự án BĐS ở Tp.HCM đã được các nhà đầu tư chào bán trên thị trường Hà Nội. Như cách gọi của giới truyền thông, đây là hướng “Bắc tiến” của các nhà đầu tư phía Nam. Trong khi đó, rất ít các dự án khu vực Hà Nội được chào bán tại Tp.HCM.

Phân tích nguyên nhân này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, do Tp.HCM là “điểm đến” rất dễ sống nên đây là sự lựa chọn của nhiều người. Đi kèm đó là xu thế mua căn hộ để ở. Dĩ nhiên, có cả một bộ phận mua để đầu cơ. Ngoài ra, do giá BĐS ở Hà Nội cao hơn nên nhiều nhà đầu tư không đủ tài chính để đầu tư hay sinh sống tại Hà Nội. Và Tp.HCM sẽ là một sự lựa chọn tốt.

Trong bối cảnh thị trường BĐS nguội lạnh, Hà Nội vẫn đang là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Thế nhưng, không phải ai muốn là có cơ hội. Nếu điểm mặt các anh tài trên lĩnh vực kinh doanh béo bở này, dễ nhận thấy họ đều là những gương mặt quen thuộc, đều là những nhà đầu tư mang “nhãn” DNNN. Cũng dễ hiểu bởi các nhà đầu tư này vốn dĩ có quá nhiều lợi thế như: Yếu tố lịch sử, sớm giành được quỹ đất từ nhiều năm trước.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, quỹ đất cho phát triển đô thị của Hà Nội vẫn còn khá dồi dào. Thế nhưng, nghịch lý vẫn đang diễn ra là, giá đất vẫn đang bị đẩy quá cao so với giá trị thực của nó, trong khi đó nguồn lợi từ việc tăng giá này lại không rơi vào ngân sách nhà nước. Rất nhiều nơi đất đai bị trưng dụng rồi bỏ trống. Để rồi sau đó, giá BĐS tăng vọt, chênh lệch giữa “giá gốc” và “giá thị trường” của các giao dịch BĐS có thể lên tới 100%, thậm chí còn hơn thế.

Nhìn lại quá trình phát triển của hàng loạt dự án BĐS trên thị trường Hà Nội, không khó nhận ra rằng, hầu hết các dự án này đều có thời gian triển khai từ khá lâu. Chưa một dự án nào có thời hạn thực hiện dưới ba năm. Hầu hết các dự án đều được chuẩn bị một cách âm thầm từ rất lâu trước khi chính thức được công bố. Một nhà đầu tư dự án trên trục đường Nguyễn Trãi cho biết, để có được dự án, thời gian “đi lại” dài gấp đôi thời gian triển khai dự án.

Lựa chọn nào đây giữa việc nhìn thời gian và cơ hội trôi đi, với việc chấp nhận "chạy" để thúc đẩy dự án? Các nhà đầu tư sẽ phải đổ rất nhiều công sức, mưu lược để giải câu hỏi này. Và trong vòng xoay này, ai nhanh chân, nhiều mối “quan hệ” và “mạnh” hơn sẽ thắng.

Con đường để có một thị trường BĐS minh bạch là rất xa bởi còn vô số những rào cản để đạt được mong muốn này. Và chừng nào, các chi phí “bôi trơn” dự án vẫn hiển hiện, chừng đó thị trường BĐS vẫn bị thao túng, vẫn sẽ nằm trong tay các nhóm lợi ích.

(Theo Báo Xây dựng)

  • 0
  • By Admin
  • 07/07/2011
  • 17