• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường BĐS chưa thể kết thúc tình trạng "méo mó"

Do nỗ lực, Hà Nội, Tp.HCM có đóng góp đáng kể góp phần giải quyết phần nào khó khăn nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên. Song hiện vẫn còn yếu kém trong khâu phân phối.

Với cơ chế phân phối hiện nay, rất có thể dẫn đến chuyện đầu nậu đứng ra thu gom, “bán lúa non”. Giá bán cuối cùng của quỹ nhà này đến nay người tiêu dùng thực sự cần nhà ở vẫn rất cao. Ai cũng hiểu rằng lợi ích của việc này đương nhiên rơi vào túi nhà đầu tư và đầu cơ. Chừng nào không thoát ra khỏi tình trạng này thì cái vòng luẩn quẩn vẫn đeo bám, cơ chế xin-cho vẫn không dứt bỏ được.

Mua bán nhà trên giấy trong mấy năm qua được coi là giải pháp khá thuận lợi cho nhà đầu tư và cả người tiêu dùng. Người tiêu dùng được mua với giá rẻ, nộp tiền nhiều lần, còn nhà đầu tư thì có vốn. Thế nhưng, nếu cứ kéo dài như hiện nay thì đầy rủi ro về giá cả, phương thức góp vốn. Rủi ro lên đến cao độ khi bắt đầu xét giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho người mua vì nhiều trường hợp đã sang tên 6-7 “cầu”. Bởi những tồn tại này mà người ta phải nhẫn nhịn chờ đợi vì nếu làm to chuyện thì chưa chắc mình đã được cấp “sổ đỏ”, thậm chí bị mất tiền oan vì giao dịch trái luật. Ai cũng nhìn thấy rủi ro rất lớn này diễn ra bao năm rồi nhưng không sao tìm được cách gỡ rối.

Thị trường bất động sản bị méo mó còn do nhiều bất hợp lý ngay từ khi đầu tư vào dự án, nếu không muốn nói là thiếu công bằng trong việc giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Nơi thì giao đất trực tiếp, nơi lại đấu giá; nơi thì thấp, chỗ lại cao. Hà Nội, Tp.HCM làm một kiểu, Đà Nẵng làm một kiểu. Không ít trường hợp chỉ dùng quyết định hành chính mà không có thương thảo với dân. Dân khiếu kiện thì giải quyết “tay bo”, không được thì dẹp. Điều này tác động đến toàn bộ quá trình triển khai dự án, đặc biệt là giá bán sản phẩm và tình trạng đầu cơ trên thị trường.

Dư luận có lý khi nghi ngại rằng, sự minh bạch thị trường để người dân thực sự cần nhà ở được mua nhà thuận lợi dường như vẫn còn xa vời. Hiện tại, theo ước tính của giới chuyên gia, có tới khoảng 50% các giao dịch bất động sản là trong “bóng tối”. Thực tế là, khi kiểm tra thông tin cần minh bạch trên 66 trang web, thì có tới 50% không được thực hiện đúng pháp luật. Trong 63 trang web của UBND các tỉnh và 3 bộ nhiều trang có trang mục nhưng nội dung “trắng trơn”. Một yêu cầu công khai minh bạch đơn giản như vậy mà chưa làm được thì còn dư địa mầu mỡ cho tham nhũng, thiếu công bằng, trái luật.

Năm 2011, thị trường bất động sản lại đứng trước bài toán khó khi ngân hàng nâng lãi suất. Luồng tín dụng đổ vào bất động sản dự báo sẽ hạn chế và tác động tâm lý người mua không muốn rót tiền vào thị trường. Chỉ còn một lối thoát là gọi vốn từ người dân và thiếu vốn vẫn tiếp diễn, dẫn đến thị trường quá nhạy cảm về chính sách và quy hoạch. Tình trạng nóng, lạnh thất thường; nóng, lạnh theo thời điểm, theo vị trí, theo dự án chưa thể kết thúc. Diễn biến thị trường bất động sản phụ thuộc vào khâu quản lý nhà nước.

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 12/02/2011
  • 17