Thị trường BĐS Việt Nam đón lượng vốn ngoại "khủng"
Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ Jen Capital xung quanh những cơ hội mở và những thách thức từ việc nới room này.
- Việc nới room được dự báo sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư ngoại “rót” vốn vào thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn tới. Với cá nhân, ông bình luận gì về xu hướng này?
Ông Nguyễn Vĩnh Trân: Tôi cho rằng đây thực sự là một bước đột phá và kỳ vọng nó sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực và sâu rộng, giúp hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát của thị trường chứng khoán Việt Nam, hướng đến việc nâng hạng cho Việt Nam từ một thị trường cận biên thành một thị trường mới nổi theo tiêu chí của MSCI. Từ đó, thị trường BĐS Việt Nam cũng sẽ đón các dòng vốn từ nhiều tập đoàn tài chính trên toàn cầu.
Có hai điều tác động rất tích cực mà tôi nhận thấy rõ. Thứ nhất, nếu bỏ được mức giới hạn này thì tính cạnh tranh giữa các công ty BĐS trong và ngoài nước sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, giúp chuyển giao thị trường tốt hơn. Thứ hai, Việt Nam cũng sẽ thu hút được một lượng lớn vốn từ nước ngoài để đầu tư cho cơ sở hạ tầng bởi nguồn ngân sách không bao giờ đủ để đầu tư cho các hạng mục này. Quá trình phát triển của thị trường BĐS đã cho thấy, khu vực nào có hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông phát triển thì khu vực đó có những "điểm nóng” về sự tăng trưởng BĐS.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ Jen Capital cho rằng BĐS Việt Nam có cơ hội đón một lượng "khủng" vốn ngoại |
Tôi cho rằng, đây là một cơ hội mở rất tuyệt vời cho các tập đoàn tài chính hàng đầu trên thế giới tham gia vào chương trình phát triển nhà ở, hạ tầng, đô thị tại Việt Nam còn đang còn dang dở. Bên cạnh đó, việc nới room này cũng có thể sẽ làm giá đất tại các đô thị lớn được giao dịch ở mức phù hợp hơn, giá nhà trong tương lai sẽ rẻ hơn.
Ông có nghĩ rằng, các doanh nghiệp BĐS nội địa sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và thua ngay trên sân nhà khi cán cân vốn ngoại trên thị trường BĐS thay đổi?
Ban đầu, có thể thị trường sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh khá khốc liệt, nhất là những công ty vừa và nhỏ sẽ dễ bị thâu tóm. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lo ngại việc các doanh nghiệp BĐS nội sẽ bị thâu tóm khi thị trường “tràn ngập” vốn ngoại đến từ những nhà đầu tư lớn. Việc Chính phủ xóa bỏ giới hạn sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài đối với các công ty niêm yết là nhằm đưa thị trường nói chung phát triển mang cỡ tầm quốc tế.
Chúng ta đừng nghĩ theo hướng tiêu cực, lấy 5% từ những người tỏ ra nghi ngại để “áp” cho 95% số còn lại, điều này sẽ làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế. Quy định này sẽ bắt các doanh nghiệp trong nước phải suy nghĩ một cách tích cực, dám từ bỏ những lợi ích cục bộ để hợp tác phát triển với phương châm đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên. Còn doanh nghiệp tiếp tục coi trọng lợi ích của mình thì chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một thị trường BĐS phát triển khá ì ạch như 10 năm gần đây.
Theo ông, đâu là những điểm yếu lớn đang tồn tại trên thị trường BĐS Việt Nam?
Hiện vẫn chưa có một sân chơi công bằng tại Việt Nam. Dòng tiền từ nước ngoài đổ vào thị trường BĐS có tốt hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc đến khi nào chúng ta mới bỏ hẳn sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội và ngoại.
Đơn cử, Luật nhà ở hiện nay đã cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng vẫn còn giới hạn số lượng căn nhà được mua, cách thức bán hàng cho người nước ngoài cũng không giống với người trong nước. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá lớn, đây sẽ là một nguồn ngoại tệ “khủng” có khả năng đổ mạnh vào thị trường BĐS trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà, đang là trở ngại để mỗi một Việt kiều phải làm để sở hữu được nhà tại Việt Nam.
Cùng với đó, thị trường BĐS Việt Nam cũng cần một sự minh bạch từ mọi doanh nghiệp trong nước, từ phương thức bán hàng, chiến lược liên kết đến hoạt động tài chính… Chúng ta phải tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, rằng ngay cả trong những tình huống xấu nhất thì lợi ích của khách hàng vẫn được bảo đảm.
- 0
- By Admin
- 14/07/2015
- 17