• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường BĐS Tp.HCM không chỉ toàn màu hồng

Mặc dù thị trường BĐS đã bước qua giai đoạn khủng hoảng, phần lớn các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, thiếu chuyên nghiệp đã bị sàng lọc, nhưng không phải vì thế mà hiện tượng đẩy giá, tạo sốt ảo bị triệt tiêu, đâu đó vẫn có sự thông đồng giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS.

Khách hàng vì thế vẫn có thể gặp rủi ro khi giao dịch, mua bán BĐS nếu không có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ. Mới đây nhất, trường hợp lừa đảo tại Công ty Gia Phú là một ví dụ. Công ty này bán 1 căn hộ tại Dự án Gia Phú (quận Thủ Đức) cho nhiều người cùng lúc. Thậm chí, có cả những khách hàng mua từ một đơn vị phân phối có uy tín cũng bị mua trùng với nhiều người khác. Đến khi sự việc vỡ lở thì chủ đầu tư cũng lặn mất tăm, phía sàn giao dịch cho rằng cũng bị chủ đầu tư lừa, cuối cùng phần thiệt vẫn cứ là khách hàng.

BĐS Tp.HCM
Thực tế nhiều dự án BĐS tại Tp.HCM chỉ "nóng" trên giấy. Ảnh: Lê Toàn

Trên một số kênh truyền thông, thông tin đất nền khu Đông Sài Gòn, dự án của các công ty A, B,C đang “nóng lên từng ngày”… Thế nhưng, theo tìm hiểu của trang Đầu tư Bất động sản, đây thực chất chỉ là chiêu PR, nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, còn trên thực tế, đất nền quận 9 hay Thủ Đức hiện vẫn chưa thực sự tỉnh giấc “ngủ đông”.

Không riêng gì khu Đông, các doanh nghiệp tạo lập dự án BĐS tại khu Nam cũng không thua kém trong việc tung ra nhiều chiêu trò tạo sức hút cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, thực tế có nhiều phần không đẹp như công bố của các doanh nghiệp.

Diễn biến trên thị trường BĐS Tp.HCM thời gian qua cho thấy, những khách hàng với số tiền có hạn thường có xu hướng tìm mua sản phẩm căn hộ của Lê Thành, các dự án căn hộ tầm trung thì có sản phẩm của TECCO, Hưng Thịnh, với mức giá tầm dưới 20 triệu đồng/m2. Những đối tượng giàu có hơn thường chọn mua sản phẩm tại các dự án của Vingroup. Trong khi đó, phần lớn các dự án có mức giá từ 23 - 32 triệu đồng/m2 hiện vẫn khó khăn trong việc tìm khách, mặc cho chủ đầu tư và đơn vị phân phối đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn.

Một khách hàng tên Thu hiện đang tìm hiểu mua căn hộ IDICO tại quận Tân Phú cho biết: “Tuần nào nhân viên dự án cũng gọi điện thông báo là khách hàng đã đặt cọc gần hết, không nhanh thì không còn chỗ. Nhưng khi đến tận nơi, tôi thấy dự án mới đang xây đến phần thô, trong khi giá bán khoảng 18 triệu đồng/m2 cả thuế. Vì thế, gia đình tôi đã quyết định chọn mua lại căn hộ Dự án Lotus ở gần đó với giá chỉ 17 triệu đồng/m2 cho căn hộ 53 m2 vào ở ngay”.

Một thống kê gần đây cũng cho thấy, 11 doanh nghiệp phát triển địa ốc Tp.HCM hiện có lượng hàng tồn kho lên đến 24.000 tỷ đồng. Trong đó, hai doanh nghiệp lớn là Quốc Cường Gia Lai và Phát Đạt tính đến cuối quý I vừa qua có lượng tồn kho lần lượt là 4.190 tỷ đồng và gần 5.500 tỷ đồng. Những ông lớn khác như Khang Điền, Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Năm Bảy Bảy... cũng tồn kho từ 2.000 - 2.600 tỷ đồng; hay Thủ Đức House, Hoàng Quân, Vạn Phát Hưng cũng không ngoại lệ khi ứ đọng từ 500 - 1.500 tỷ đồng. Riêng hai doanh nghiệp là Thủ Đức House và Bình Chánh đặt mục tiêu thận trọng, còn lại các doanh nghiệp khác đều tỏ ra rất tự tin với kế hoạch đề ra, thậm chí còn xem tồn kho là thế mạnh để “bung hàng”.

Do sản phẩm ứ đọng nên các doanh nghiệp cũng còn nhiều khoản nợ xấu với ngân hàng. Đơn cử, Công ty Phát Đạt đang còn khoản nợ được coi là nợ xấu với ngân hàng DongA Bank, trị giá lên tới 686 tỷ đồng. Để có lối thoát cho khoản nợ này, Phát Đạt đưa ra phương án phát hành thêm 65,1 triệu cổ phiếu để trả nợ khoản nợ này vào quý III và quý IV sắp tới. Câu hỏi đặt ra là, nếu doanh nghiệp này làm ăn kinh doanh thuận lợi thì liệu họ có phải tính đến con đường phát hành thêm cổ phiếu để trả nợ như thế này?

Từ những con số và diễn biến trên có thể thấy, bức tranh thị trường BĐS Tp.HCM không chỉ toàn màu hồng như công bố gần đây của nhiều công ty, đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý cũng như các phương tiện truyền thông.

  • 0
  • By Admin
  • 06/08/2015
  • 17