Thị trường BĐS: Lạnh thanh khoản, nóng "nội chiến"
Mục đích liên kết cùng nhau đấu tranh với chủ đầu tư, nhằm thúc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở, biệt thự hay chung cư, vốn đã giậm chân tại chỗ ít nhất là hàng năm nay. Vì sao có tình trạng này? Và làm gì để giải tỏa câu chuyện khúc mắc giữa người mua và người xây trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng như hiện nay?Lên mạng lập hội... đòi nhà
Tại các diễn đàn kinh tế, các trang xã hội trên internet đang xuất hiện ngày càng nhiều những lời kêu gọi lập hội những người tự gọi mình là "nạn nhân của thị trường bất động sản"! Họ kêu gọi lập hội với mục đích chia sẻ thông tin, liên kết cùng nhau đấu tranh với chủ đầu tư các dự án bất động sản để tạo áp lực buộc họ phải thực hiện các hợp đồng mua bán nhà hay biệt thự, chung cư. Bởi thực tế, trước tình hình thị trường bất động sản trầm lắng 2 năm nay, nhiều dự án bất động sản giậm chân tại chỗ, chủ đầu tư thì bặt vô âm tín, mặc kệ người mua nhà khóc dở mếu dở. Tại sao người mua nhà bị lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy?Khách hàng lập hội đòi chủ đầu tư trả lại tiền. |
Theo anh Thắng, trưởng phòng giao dịch sàn bất động sản TL (Trần Duy Hưng, Hà Nội), lý do là vì khi ký hợp đồng góp vốn mua nhà, người mua được yêu cầu đóng ít nhất 30% giá trị căn hộ hoặc biệt thự (không ít dự án đòi hỏi người mua phải đóng tới 50%), rồi đóng tiếp theo tiến độ của dự án, có thể chia 3, 5 hay 7 lần tùy theo giá trị của bất động sản định mua. Đổi lại, chủ đầu tư cam kết sẽ giao nhà đúng tiến độ. Trong các hợp đồng này, bao giờ cũng có điều khoản, nếu người mua nhà không thực hiện đúng tiến độ đóng tiền, thì bên đầu tư dự án có quyền phá bỏ hợp đồng mà không có nghĩa vụ phải trả lại khoản vốn đã góp.
Theo lẽ thường, và cũng là lẽ công bằng thì song song với điều khoản này, phải có một điều khoản nữa về nghĩa vụ của chủ đầu tư. Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết mà không có lý do chính đáng được khách hàng thừa nhận thì chủ đầu tư phải chịu phạt, đồng thời phải trả lãi suất theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng cho những khoản vốn do người mua nhà đóng góp. Thế nhưng, trên thực tế, không hợp đồng góp vốn nào có điều khoản này. Và vào thời điểm những cơn sốt nhà đất còn diễn ra như cơm bữa, lợi nhuận thu được từ việc đầu tư mua các dự án chung cư, biệt thự hay đất nền để bán đi bán lại vẫn còn cao ngất, thì người mua nhà đã nhắm mắt làm ngơ trước sự bất bình đẳng này. Thậm chí, họ còn tranh cướp nhau, xếp hàng cả đêm dài để có được những hợp đồng mà phần bất lợi thuộc về người mua. Những người kém may mắn không mua được từ chính chủ đầu tư còn chấp nhận mua lại hợp đồng với giá chênh 300 đến 500 triệu đồng cho mỗi căn hộ. Đối với biệt thự hay dự án nhà sinh thái thì mức chênh có nơi lên đến 1 thậm chí 2, 3 tỷ đồng.
Và thế là, trong cơn say lợi nhuận, những người mua nhà đã phó thác tiền tỷ vào tay các chủ đầu tư. Hàng nghìn người mua nhà là hàng nghìn tỷ đồng được trao gửi theo kiểu gửi trứng cho ác ấy. Bởi vì tất cả tùy thuộc vào uy tín và sự trung thực của chủ đầu tư. Khi mà việc bán nhà, tất tóan hợp đồng vẫn còn đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, thì các dự án vẫn còn trôi trảy, vì chủ đầu tư vẫn còn phải giữ chữ tín để còn có thể tiếp tục huy động vốn từ người mua.
Đuối lý vì sợ "chưa được vạ thì má đã sưng"
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Duy Thắng, phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng) phân tích, tâm lý của khách hàng mua nhà, đặc biệt là các dự án chung cư vào thời điểm này đa phần là có nhu cầu sử dụng trên thực tế. Tình trạng đầu cơ, đầu tư tràn lan để kiếm siêu lợi nhuận như thời gian trước không còn nhiều. Tuy nhiên, do thị trường lâm vào cảnh khó khăn, các chủ đầu tư cũng "sống dở chết dở". Trường hợp chủ đầu tư chậm tiến độ, khất lần khất lượt không chịu bàn giao nhà dù đến thời hạn đã không còn xa lạ. Tôi cũng nghe báo chí phản ánh nhiều về việc một số dự án đóng tiền 2 - 3 năm trời vẫn chưa thực hiện xong phần móng... Điều này thực tế gây nhiều thiệt hại cho khách hàng, vì nhà không những không được nhận, nguồn vốn hàng tỷ đồng còn bị chôn chân một chỗ không thể sinh lời.Dưới góc độ nhà đầu tư bất động sản, ông Bùi Văn Hiển, PGĐ Sàn giao dịch BĐS Huland phân tích, khi thị trường bất động sản sôi động, việc mua đi bán lại diễn ra chóng vánh, thậm chí khách hàng tranh nhau để được mua nhà. Nhiều dự án "hót" đã hết sạch sành sanh ngay từ khi còn trên giấy. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, không ít chủ đầu tư gần như tháo chạy khỏi thị trường, liên tục trì hoãn hoặc "chây ì" không chịu hoàn trả lại tiền cho khách hàng. Điều này xuất phát từ thực tế, giai đoạn đầu khi khách hàng góp vốn, chủ đầu tư thường "ôm" số tiền này đầu tư cho dự án khác, thậm chí kinh doanh ngành khác.
Ông Hiển cũng lấy ví dụ trường hợp, cách đây ít lâu, nhiều khách hàng mua căn hộ dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông) bức xúc khi nhận được "trát" của chủ đầu tư yêu cầu nộp tiền đợt 3 lên tới trên 90% giá trị căn hộ, trong khi việc đóng tiền theo số tầng được khách hàng hiểu đi liền với việc xây thô. Song thực tế, chủ dự án chỉ chú trọng "chồng tầng" khung thép cho đủ chiều cao để thu tiền mà chưa đặt một viên gạch xây thô. Theo quan điểm của ông Bùi Đức Hiển, trong "cuộc chiến pháp lý" này, khách hàng thường bị lép vế bởi tâm lý không muốn làm to chuyện. Khi chủ đầu tư “chây ì”, họ thường chẳng còn cách nào khác ngoài phải nghe những lời "dỗ ngon dỗ ngọt", hứa gia hạn thêm thời gian. "Tôi nghĩ, cách tốt nhất là đối thoại, hỗ trợ, hợp tác tháo dỡ dần để dự án triển khai đúng chất lượng và bàn giao sớm nhất. Khách hàng cũng cần thành lập cộng đồng người mua để tạo sức mạnh, vì mục tiêu chung. Tình huống kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu chủ đầu tư thiếu thiện chí hợp tác", ông Hiển nhấn mạnh.
Bản thân một chủ đầu tư dự án bất động sản (xin được giấu tên) chia sẻ: "Chúng tôi cũng khốn đốn lắm. Không huy động đủ vốn từ người mua nhà, mà vay ngân hàng thì vừa khó vay vừa phải chịu lãi suất cao, vốn tự có lại ít. Nếu tiếp tục đổ vào xây thì cầm chắc lỗ nặng. Vì thế nhiều chủ đầu tư đành phải "giả câm giả điếc" trước mọi đòi hỏi chính đáng của khách hàng".
"Cuộc chiến chầy bửa" Một chuyên gia BĐS phân tích, câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước từ 2 năm nay đã trở thành câu hỏi thường xuyên giữa bên mua và bên bán nhà. Chủ đầu tư thì bảo người mua nhà: Hãy nộp tiếp tiền thì tôi mới tiếp tục xây và mới có hy vọng nhận nhà (dù không đúng hạn)! Còn người mua thì yêu cầu chủ đầu tư: Ông xây đúng theo tiến độ thì tôi mới nộp tiền đúng theo tiến độ. Và rồi hai bên cứ giằng co, không bên nào chịu bên nào. Chính vì thế, những người mua nhà mới phải kêu gọi lập hội để liên kết với nhau cùng đấu tranh với chủ đầu tư; Trong khi đó, không ít chủ đầu tư ung dung đem số tiền huy động được gửi vào ngân hàng mà hưởng lãi, không cần phải động não lo toan; bất chấp người mua bức xúc ra sao?. |
(Theo Nguoiduatin)
- 0
- By Admin
- 10/09/2012
- 17