• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường BĐS Hà Nội đóng băng?

Thị trường BĐS Hà Nội đóng băng? | ảnh 1

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự trầm lắng này. Liệu thị trường có thực sự “đóng băng” như dư luận đồn thổi?

Theo thống kê các giao dịch thành công trong tháng 3/2011 của một sàn giao dịch bất động sản cho thấy, bất động sản thuộc các dự án vẫn giao dịch tốt. Nhưng từ đầu tháng 4 tới nay, sàn giao dịch này mới chỉ có lác đác vài giao dịch thành công. Nhiều sàn giao dịch khác cũng cho biết, nhu cầu đầu tư vào bất động sản vẫn nhiều, vì thời điểm hiện tại, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư khả dĩ nhất so với chứng khoán hay là vàng.
Tuy nhiên, ngoài lượng giao dịch thành công, trong một vài tuần trở lại đây sụt giảm đáng kể do tâm lý nghe ngóng, chờ đợi của nhà đầu tư.

Đặc biệt nhà đầu tư thờ ơ hẳn đối với các dự án đang còn ngổn ngang ở giai đoạn đầu, bởi chính các chủ đầu tư cũng phải xin giãn tiến độ nhiều dự án do biến động về giá cả và nguồn vay ngân hàng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN cho rằng: “Khi một chính sách vĩ mô được ban hành ra để đưa vào cuộc sống, nó phải có độ trễ, chính sách đó phải sau 6 tháng mới có ảnh hưởng, hoặc có thể phải 1 năm thì mới có thành công… Nghị quyết 11 đưa ra đúng thì cũng phải 6 - 9 tháng. Đến hiện tại thì nghị quyết mới đưa ra được 2 tháng nên tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn là nghe ngóng xem chiều hướng tới đâu, nên có thể người ta có tiền nhưng chưa tham gia”.

Đúng là những chính sách kinh tế vĩ mô như Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, chính sách siết chặt tín dụng bất động sản… dù thời điểm này có thể chưa “kịp” tác động trực tiếp tới thị trường, nhưng trên thực tế, nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, không có chuyện thị trường bất động sản “đóng băng” như dư luận đồn đoán. Theo giới chuyên môn, dòng tiền của thị trường vẫn luân chuyển, nhưng thận trọng hơn. Và với nguồn tiền không còn dư dật như trước đây khi còn thoải mái vay ngân hàng, nhà đầu tư thời điểm này đang hướng tới các bất động sản hoặc là có tính an toàn cao, hoặc là có khả năng sinh lời chắc chắn, như: Các mảnh đất thổ cư nhỏ lẻ vài chục mét vuông đã có sổ đỏ, đất giá rẻ ở ven đô, đất chung cư nội thành có giá 25-35 triệu/m2 ở các trục đường phía Tây Hà Nội…

Đặc biệt là đất thổ cư quanh các dự án cầu - đường giao thông dù vẫn còn trong quy hoạch như đất ven cầu Thượng Cát, đất hai đầu cầu Nhật Tân, cầu Tứ Liên…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN: “Những mảnh đất nhỏ lẻ, rồi những mảnh đất ven vùng đô thị chuẩn bị đô thị hóa, những vùng ngoại thành… là phân khúc hấp dẫn. Thứ nhất là nó mang tính ổn định, thứ hai là đối với những vùng đang đô thị hóa, thì có vấn đề giá cả…”.

Theo giới chuyên môn, nếu khả quan thì sớm nhất cũng phải tới quý 3, thị trường bất động sản mới có thể khởi sắc trở lại khi những chính sách điều tiết kinh tế của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực với những tín hiệu tích cực từ thị trường tài chính.

(Theo VTV)

  • 0
  • By Admin
  • 26/04/2011
  • 17