• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường BĐS HN 2009: Sẽ tiếp tục trầm lắng trong ngắn hạn

Thị trường BĐS Hà Nội sẽ phát triển rất khó khăn nhưng chưa mất hết niềm tin vào sự phục hồi…

 

Nhìn nhận lại thị trường BĐS Hà Nội năm 2008, ông Richard Leech cho rằng, thị trường đã có những khởi đầu tốt đẹp vào đầu năm nhưng sau đó đã gặp rất nhiều khó khăn vì tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước và các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Giá xây dựng tăng, tốc độ hoàn vốn của các dự án chậm trong khi thị trường tín dụng ngày càng thắt chặt gây khó khăn về mặt tài chính cho các nhà đầu tư. Theo đó, kể từ quý III/2008, mặc dù tỷ lệ lạm phát giảm dần và giá xây dựng chững lại, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới buộc nhiều nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam hoặc tạm dừng dự án của mình. Mặc dù có những hy vọng thị trường phát triển nhanh chóng nhưng trên thực tế tiến độ thi công của nhiều dự án diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tốc độ phát triển chậm hơn so với dự tính của thị trường BĐS lại là một yếu tố tích cực cho Hà Nội vì điều đó tránh cho thị trường rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu. Khi nền kinh tế đang trong thời kỳ tăng trưởng bền vững, hiển nhiên là bất kỳ sự đi xuống nào của thị trường BĐS (dù là theo chu kỳ), nhất là tại những thị trường đang phát triển như Hà Nội, cũng gây ra sự lúng túng cho tất cả những người tham gia. Trong một thị trường BĐS nhỏ, đang phát triển và rất nhạy cảm với các biến động; các bên tham gia vào thị trường cũng như người dân sẽ có xu hướng dễ mất bình tĩnh và nhanh chóng dừng lại mọi hoạt động giao dịch.

 

Ông Richard Leech phân tích: “Phản ứng tự nhiên đối với một thị trường đang đi xuống là sự bi quan, tuy nhiên không nghi ngờ rằng thị trường BĐS Hà Nội cũng như các thị trường BĐS khác của Việt Nam nói chung sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng trong thời gian trung hạn (2-6 năm). Mặc dù niềm tin vào thị trường BĐS toàn cầu và thị trường BĐS Việt Nam bị lung lay trong năm 2008, vẫn có những niềm tin vào những yếu tố cơ bản về kinh tế và dân số của Việt Nam, và sự lạc quan về triển vọng của thị trường trong trung và dài hạn”.

 

Thực tế, do giá một số vật liệu xây dựng giảm trong hai quý sau của năm 2008 và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế, thị trường BĐS đã có dấu hiệu phục hồi. Các dự án chất lượng cao như Hanoi City Complex, Trung tâm thương mại Ciputra Hanoi Mall, BIDV Tower, Crown Complex, Keangnam Hanoi Landmark Tower, khu đô thị Thạch Bàn New City và các dự án tiêu biểu khác cũng đang tiếp tục tiến độ xây dựng của mình.

 

Có thể thấy, thị trường BĐS Hà Nội sẽ cần nhiều thời gian để phát triển chín muồi, vì thị trường vẫn đang chờ đợi một hệ thống giao thông, hạ tầng cơ cở, hệ thống phòng chống lũ lụt… hoàn thiện hơn để hình thành một thành phố thực phát triển. Thành phố Hà Nội đang chứng kiến một thế hệ mới các tòa nhà cao tầng mọc lên, áp dụng những công nghệ mới, những phong cách kiến trúc mới trên phạm vi toàn thành phố.

 

Thị trường BĐS HN 2009: Sẽ tiếp tục trầm lắng trong ngắn hạn

 

Giá nhà sẽ giảm, nhưng người mua nghe ngóng

 

Trên thị trường BĐS Hà Nội, ở những mảng thị trường như văn phòng cho thuê, nhà ở… có những diễn biến khác nhau. Ở mảng thị trường văn phòng, tại Hà Nội, năm 2008 không có những biến động quá lớn chủ yếu do nguồn cung vẫn còn hạn chế. Giá chào thuê trung bình của các tòa nhà văn phòng hạng A tại thời điểm cuối năm 2008 là khoảng 53 USD/m2/tháng, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với văn phòng hạng B, giá chào thuê trung bình đạt  34 USD/m2/tháng tại thời điểm cuối năm 2008, cao hơn 23% so với thời điểm cuối năm 2007. Tỷ lệ trống của văn phòng hạng A và B trong suốt năm 2008 tương đối ổn định dưới mức 2% và 3,5%. Tuy nhiên bắt đầu từ nửa năm cuối của 2008 , đã bắt đầu có ít hoạt động thuê/cho thuê văn phòng hơn do ít công ty thành lập mới hơn cũng như các công ty đang hoạt động hoãn lại kế hoạch mở rộng.

 

Hiện nay cả khách thuê và nhà đầu tư đều cẩn trọng hơn với những xu hướng biến động của thị trường. Các chủ tòa nhà nhận thấy rõ hơn sự cạnh tranh của nguồn cung trong tương lai và bắt đầu xem xét lại để đưa ra mức giá chào thuê hợp lý hơn. Trong khi đó có những khách thuê sẵn sàng chuyển văn phòng ra khỏi các tòa nhà có chất lượng cao, giá thuê cao đến các tòa nhà phù hợp hơn vì biết sẽ có nhiều lựa chọn trong năm 2009. Theo các chuyên gia, thị trường văn phòng Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh trong năm 2009.

 

Trên thị trường căn hộ để bán, theo báo cáo không chính thức của dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, 918 căn hộ cao cấp của dự án này được bán khá tốt. Hai tháng sau khi bắt đầu chào bán, Vincom Park Place đã bán (cho thuê 50 năm) được 70% diện tích căn hộ. Chủ đầu tư đã đưa ra phương thức thanh toán rất hấp dẫn với người mua trong đó 80% giá trị hợp đồng sẽ đóng nốt sau khi giao nhà. Điều này trái với cơ cấu thanh toán thường thấy khi mua căn hộ 80%- 20%. Ngoài ra người mua căn hộ Vincom Park Place còn được hưởng lãi vay 3%/năm từ ngân hàng từ BIDV trong vòng 18 tháng tính từ tháng 2/2009. Ước tính có khoảng 650 căn hộ mới được chào bán bổ sung vào nguồn cung mới của Qúy IV/ 2008. Bên cạnh đó, nhà đầu tư Hanotex dự kiến chào bán Sky City Towers với giá 2.100 USD/m2 vào QI/ 2009.

 

Theo các chuyên gia BĐS, năm 2009, sức cầu về nhà ở sẽ giảm do dự báo kinh tế ảm đạm và tâm lý kỳ vọng giá nhà sẽ giảm hơn nữa. Người mua nhiều khả năng sẽ tiếp tục chờ đợi. Một số người bán vẫn giữ hàng vì họ không muốn giảm giá. Thị trường thuê căn hộ đi xuống cũng làm giảm tổng cầu thị trường căn hộ. Tâm lý này khiến các bên tham gia có xu hướng chờ đợi trong ngắn hạn.

 

Mặt khác, ông Richard Leech cũng đánh giá, trong tương lai gần, dự kiến cầu về căn hộ có dịch vụ sẽ sụt giảm. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khủng hoảng, các công ty đa quốc gia sẽ thận trọng hơn với các kế hoạch tăng trưởng và thắt chặt hơn nữa chi tiêu về nhà ở cho nhân viên.  Áp lực từ suy thoái kinh tế toàn cầu và cạnh tranh từ các căn hộ cho thuê sở hữu tư nhân sẽ có tác động mạnh đến sự năng động của mảng thị trường này trong năm 2009. 

 

Theo đó, trong năm 2009, tất cả các mảng thị trường BĐS đều hướng vào lượng khách nội địa, không tập trung cho phân khúc cao cấp, dành cho người nước ngoài. Các chuyên gia kỳ vọng, năm 2009, cùng với sự lắng lại của thị trường BĐS nói chung và Hà Nội nói riêng, sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn, không nóng ảo, cạnh tranh để đưa ra dịch vụ tốt hơn.

 

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cũng nhận định: Sự suy giảm của bất kỳ thị trường nào cũng là một biểu hiện tiêu cực, các nhà đầu tư khó khăn, tác động không thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, gây ảnh hưởng không tốt tới các thị trường khác có liên quan. Riêng đối với thị trường BĐS nước ta, tình trạng giảm sút hiện nay cũng thể hiện nhiều mặt tích cực đối với nền kinh tế: Thứ nhất, các doanh nghiệp đang háo hức tập trung đầu tư vào BĐS để kiếm lợi nhuận lớn sẽ quay trở về với các ngành nghề kinh doanh chính của mình; Thứ hai, thị trường nhà đất đang trong trạng thái không còn đầu cơ, người lao động bình thường có khả năng với tới nhà ở cho mình; Thứ ba, Nhà nước có thời gian để hoàn thiện các công cụ quản lý đối với thị trường, tạo được một thị trường BĐS lành mạnh và hiệu quả.

 

Theo Hà Nội Mới
  • 0
  • By Admin
  • 17/01/2009
  • 17