Thị trường BĐS: Giá nhà, đất giảm chưa đến “đáy”
Đất nền dự án Sadeco, quận 7 - TPHCM chỉ còn 35 triệu đồng/m2. Ảnh: H.Thúy.
Hai tuần qua, dù có nhiều thông tin được giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng sẽ tạo hứng khởi cho thị trường tăng giao dịch trở lại, như việc chấp thuận đề án cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, kiến nghị giảm thuế trong chuyển nhượng nhà đất, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục tăng... thế nhưng không khí vẫn tiếp tục ảm đạm.
Căn hộ: “Dầu sôi lửa bỏng”
Sau hơn 3 tháng cầm cự trước tình hình thị trường BĐS đóng băng, hiện không chỉ có nhà đầu tư thứ cấp mà chính các chủ dự án cũng đang rơi vào tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” bởi nguy cơ vỡ nợ rất gần. Các nhà đầu tư thì lo ngân hàng đáo hạn với khoản lãi suất vay cao ngất (ít nhất trên 20%/năm) nếu tiếp tục cuộc chơi, bằng không chắc chắn phải bị siết nợ. Còn chủ dự án lại đau đầu trước nguy cơ khách hàng hủy hợp đồng trả lại sản phẩm.
Theo thông tin từ giới địa ốc đưa ra, hiện giá căn hộ một số khu vực đã giảm 50% so với tháng 2-2008. Mới đây, giá căn hộ tại dự án Him Lam - Nam Khánh được khách hàng ký gửi bán 12 triệu đồng/m2 khiến khá nhiều nhà đầu tư, thậm chí ngay cả cò nhà, đất cũng bị sốc.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, một nhân viên môi giới nhà, đất tại quận 8, cho biết: “Thời điểm thị trường BĐS đang sốt giá căn hộ ở đây lên đến hơn 25 triệu đồng/m2, tuy nhiên sau Tết, giá giảm liên tục, tháng 4 còn 18 triệu đồng/m2 rồi xuống 15 triệu đồng/m2 và nay dừng ở mức 12 triệu đồng/m2. Với mức giá trên, xem như đã ngang với giá gốc do chủ dự án chào bán vào tháng 6-2007, còn tính về yếu tố đầu tư coi như lỗ nặng”.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Vinaland, các chuyên viên môi giới ở đây nhận định: “Sức mua của thị trường vẫn rất kém, tính thanh khoản của BĐS giảm sút rất nhiều, thị trường đang suy giảm về giá cả lẫn giao dịch”. Chưa hết, những số liệu thống kê của Vinaland còn cho thấy chỉ trong một tuần lễ, giá nhà, đất thay đổi theo chiều hướng giảm mạnh, trung bình từ 4% cho đến 34% so với tuần trước đó.
Ví dụ, căn hộ Hoàng Tháp (huyện Bình Chánh) ở tuần lễ cuối tháng 5-2008, mức giá chào bán từ 14,5 triệu- 15 triệu đồng/m2 thì những ngày đầu tháng 6-2008, giá đã giảm trung bình từ 1,5 triệu- 5 triệu đồng/m2 (10,3% đến 33,3%). Tương tự, nhiều dự án căn hộ trên địa bàn các quận 2, 7, 9... mà vị trí không đắc địa càng mất giá.
Đất nền: Ngưng giảm nhưng...
Sau một thời gian rớt giá mạnh từ 20% đến 40%, giá nền đất tại các điểm nóng có dấu hiệu chựng lại. Khảo sát tại một số điểm môi giới BĐS trong tuần qua, nền đất chào bán vẫn ở mức giá cuối tháng 5-2008. Cụ thể: dự án phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) của Công ty Huy Hoàng hiện có giá từ 20 triệu - 25 triệu đồng/m2; dự án khác cũng nằm trên địa bàn do Công ty Phú Nhuận làm chủ, hiện mức giá khoảng 26 triệu đồng/m2; dự án Đông Thủ Thiêm nằm tại phường Bình Trưng Đông (quận 2) hiện giá đất nền từ 15 triệu - 22 triệu đồng/m2 (tùy vị trí, diện tích đất, lộ giới đường)...
Các dự án tại phường Phước Long B, quận 9 như Gia Hòa, giá cũng chỉ 12,5 triệu đồng/m2; Hưng Phú là 9,5 triệu đồng/m2; Nam Long - Kiến Á, giá từ 12,5 triệu - 14 triệu đồng/m2.
Một trong những điểm nóng mà các nhà đầu tư quan tâm là khu vực phía Nam TP hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ tăng giá. Tại dự án Him Lam - Kênh Tẻ, từ 60 triệu đồng/m2, nay nếu khách hàng chịu chi từ 25 triệu-30 triệu đồng/m2 là có thể mua ngay nền đất ở những vị trí tốt. Tương tự, khu dự án Sadeco, mức giá khách hàng chào bán hiện từ 28 triệu - 35 triệu đồng/m2, trong khi giá trước đó thấp nhất là 45 triệu đồng/m2. Tại huyện Nhà Bè, hiện dự án Phước Kiểng giai đoạn 1, giá bán khoảng 13 triệu đồng/m2; dự án Thái Sơn 1 giá 9 triệu đồng/m2 và Thái Sơn 2, trung bình 14 triệu đồng/m2...
Nhiều chuyên gia nhà, đất cùng dự báo: Mức giá trên giảm vẫn chưa đến “đáy”, bởi trong tháng 6-2008, hàng loạt ngân hàng cùng xem xét lại các khoản vay mua nhà, đất. Với tình hình này chắc chắn nhiều khách hàng sẽ bị ngân hàng phát mãi BĐS do mất khả năng chi trả, như vậy giá sẽ tiếp tục giảm.
Thị trường suy thoái nặng
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), hiện thị trường BĐS không chỉ đóng băng mà bị suy thoái nặng nề. Nhiều nhà đầu tư kinh doanh BĐS trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Chính vì thế các doanh nghiệp cho rằng cần phải đưa ra giải pháp để thị trường được tồn tại trước, sau đó mới nghĩ đến phát triển.
Nguyên nhân chính làm thị trường suy thoái hiện nay, theo Horea là do giới đầu cơ chuyên nghiệp rút vốn ra khỏi thị trường BĐS đúng vào thời điểm Nhà nước tập trung các biện pháp thắt chặt tiền tệ để “cắt cơn” lạm phát và chống đầu cơ. Bên cạnh đó, cơn sốt giá vật liệu xây dựng làm tình hình thị trường càng trở nên trầm trọng...
Theo Người Lao Động
- 248
- By Admin
- 07/06/2008
- 17