• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thị trường 2009 có nhiều 'điểm sáng'

Theo ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phải đối mặt trong năm tới là bài toán vốn. Ngay đầu năm 2009, nhiều nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản sẽ phải trả nợ ngân hàng các khoản vay trước đây trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. "Thị trường bất động sản có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn mà hệ lụy là khả năng giảm giá nhà đất ngày một nhiều. Bởi vậy khả năng nóng trở lại trong năm tới là rất khó", ông Võ khẳng định.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế thế giới trong năm 2009 được dự báo tiếp tục khó khăn nên thị trường bất động sản cũng khó tránh khỏi nguy cơ này. Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhiều người mất lòng tin vào thị trường và tạo tâm lý phân vân khi quyết định đầu tư vào bất động sản. "Thêm vào đó, tâm lý chờ đợi ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cũng là một yếu tố khiến nhiều người phân vân trong đầu tư", ông Doanh nói.

Thị trường 2009 có nhiều 'điểm sáng'
Thị trường bất động sản năm 2009 có nhiều điểm sáng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thị trường sẽ chỉ toàn những mảng tối. Từ thực tế này, có thể thấy thị trường năm 2009 vẫn sẽ có tín hiệu lạc quan. Những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất cơ bản của ngân hàng xuống mức thấp (còn 8,5 %) dẫn tới việc nguồn vốn cho bất động sản được huy động tốt hơn. Tại thời điểm cuối năm, nhiều dự án đã được khởi công chờ thời cơ đón đầu thị trường. Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, cho rằng: “Giá bất động sản xuống thấp khiến các dự án đã giảm hơn 50% so với thời kỳ sốt nóng. Điều này làm tăng cơ hội cho các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản trong năm tới”.

Trong cơn bão tài chính, nhà đầu tư có bản lĩnh, tìm được “kẽ hở” của thị trường, chọn lọc tốt các dự án thì vẫn có thể thành công. Theo tổng kết của ngân hàng thế giới, thị trường bất động sản có hệ số lan truyền nhu cầu rất lớn, tức là một đồng trong thị trường bất động sản sẽ kéo theo 3 đồng trong các ngành kinh tế khác. Bất động sản phát triển, vật liệu xây dựng, đồ nội thất… sẽ phát triển theo. Ông Tống Văn Nga, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định, trong năm tới, có rất nhiều thuận lợi để phát triển thị trường bất động sản. “Sắt thép giảm, xi măng không thiếu, gạch ốp lát đã bão hòa, kính xây dựng dư dặt sẽ là cơ hội tốt để thu hút nhà đầu tư đổ vốn vào ngành xây dựng cũng như thị trường bất động sản”, ông Nga chia sẻ.

Thêm vào đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trích 2.500 tỷ trong gói kích cầu để xây dựng nhà ở xã hội cứu thị trường bất động sản. Nhiều người hy vọng việc “rót” trúng đối tượng cùng các chính sách hợp lý sẽ là một tín hiệu vui giúp thị trường bất động sản khởi sắc. Mặt khác, các chuyên gia phân tích, sang năm tới, gói kích cầu này sẽ giúp thị trường điều chỉnh lại quan hệ cung cầu sao cho hợp lý hơn. Các doanh nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội này để điều chỉnh các dự án sao cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, năm 2009 mảng phân khúc nhà ở bình dân cho người có thu nhập trung bình có cơ hội hồi phục nhẹ. Bởi người dân có nhu cầu thật sự sẽ đi đến quyết định mua nhà. Theo thống kê của Sàn giao dịch bất động sản Cen Group, trong thời gian thị trường trầm lắng, vẫn có những nhóm khách hàng có thu nhập trung bình tìm hỏi những căn hộ có tổng giá trị khoảng trên dưới 1 tỷ đồng với diện tích vừa phải. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng Giám đốc Cen Group, cho rằng: “Khi các yếu tố vĩ mô đã ổn định trở lại, tâm lý người dân được giải tỏa sau một thời gian dài chờ đợi, khách hàng sẽ sớm ra quyết định mua nhà".

Phân khúc nhà ở, văn phòng cao cấp và biệt thự dự báo sẽ hồi phục sau cùng. Nhóm khách hàng tiếp cận mảng này là doanh nhân, những người có thu nhập cao với mục đích mua để ở hoặc mua bán trao tay thu lợi. Chính vì vậy, hiệu quả đầu tư và dòng vốn là vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu với nhóm đối tượng này. Lý giải về việc chậm trễ trong quá trình hồi phục của phân khúc cao cấp, ông Hưng nhận định: “Chỉ khi nào thị trường sôi động, thanh khoản tốt, nhóm khách hàng cao cấp này mới quyết định đầu tư".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Trung Hà bổ sung, việc phân hạng bất động sản còn chưa rõ ràng, mặc nhiên các nhà đầu tư đưa ra những chuẩn mực cao cấp nhằm thu hút khách hàng nhưng thực chất chưa chú trọng nhiều đến chất lượng của dự án. “Chất lượng xây dựng, các dịch vụ đi kèm, tiện ích cộng cộng chưa thực sự đáng tin cậy sụt giảm lòng tin của khách hàng. Điều này khiến các dự án gắn mác 'cao cấp' khó giao dịch hơn”, ông Hà chia sẻ.

Theo Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 02/01/2009
  • 17