• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thí điểm quản lý vận hành chung cư tái định cư

Thời gian thực hiện thí điểm là 24 tháng kể từ khi Đề án được phê duyệt. Bộ Xây dựng đã có văn bản đồng thuận với đề xuất này của Hà Nội.

Ban quản trị - tổ chức tự quản

Nhà chung cư tái định cư được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách để bố trí tái định cư, phục vụ di dân giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đặc thù nhà chung cư tái định cư là nhà có các phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước (như tầng 1, tầng hầm và các diện tích khác được quy định trong dự án) do đơn vị được Nhà nước giao trực tiếp quản lý. Nhà tái định cư tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính và khu Nam Trung Yên do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội trực tiếp quản lý cũng có các phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước, trong khi người sử dụng nhà tái định cư bao gồm cả người mua nhà trả tiền một lần và người mua nhà trả dần. Theo Bộ Xây dựng, việc áp dụng mô hình quản lý chung theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD đối với nhà chung cư tái định cư là chưa phù hợp. Để tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả sử dụng, vận hành, khai thác nhà tái định cư, cần xây dựng mô hình thí điểm tổ chức quản lý đảm bảo tăng cường vai trò trách nhiệm của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, đồng thời quy định thành phần, trách nhiệm của Ban quản trị như một tổ chức tự quản trong nhà ở tái định cư.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhà ở tái định cư được bàn giao đưa vào sử dụng và nhà ở đó đã có trên 50% số căn hộ có chủ sở hữu, người sử dụng đến ở thì đơn vị được giao quản lý nhà ở tái định cư có trách nhiệm tổ chức Hội nghị các chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở tái định cư lần đầu. Ban quản trị nhà ở tái định cư do Hội nghị các chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở bầu ra. Ban quản trị nhà ở tái định cư là một tổ chức tự quản trong nhà chung cư nên quyền và trách nhiệm bao gồm: kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về quản lý sử dụng nhà tái định cư; thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở về các vấn đề liên quan tới việc quản lý sử dụng để phản ánh với doanh nghiệp quản lý vận hành, các cơ quan chức năng... xem xét, giải quyết.

Chi phí tối đa bằng 85% mức áp dụng cho nhà ở thương mại

Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải chịu toàn bộ trách nhiệm từ quản lý vận hành đến khai thác nhà ở tái định cư trong suốt quá trình sử dụng. Do đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý sử dụng thông qua việc quy định Công ty có quyền cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà ở theo hợp đồng đã ký hoặc được ủy thác của chủ đầu tư, đảm bảo an toàn, đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành; ký kết hợp đồng phụ với các doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ (nếu có); giám sát việc cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư đối với các doanh nghiệp nêu trên để đảm bảo thực hiện theo hợp đồng đã ký; thu và quản lý kinh phí vận hành, kinh phí bảo trì nhà ở tái định cư.

Về chi phí quản lý vận hành nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 15/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Chi phí quản lý vận hành nhà ở tái định cư do đơn vị quản lý vận hành xác định nhưng không vượt quá 85% mức chi phí quản lý vận hành do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định áp dụng cho nhà chung cư thương mại hạng 4. Mức đóng góp chi phí quản lý vận hành phần sử dụng chung được tính theo tháng, phân bổ theo diện tích phần sở hữu hoặc sử dụng riêng của từng chủ sở hữu, người sử dụng và nộp mỗi tháng một lần. Chi phí trông giữ xe đạp, xe máy được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh áp dụng chung trên phạm vi địa bàn.

Theo KTDT
  • 193
  • By Admin
  • 18/09/2009
  • 17