• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thi công dự án chậm chạp: Dân khổ, lãng phí tiền nhà nước

Một loạt thông tin xấu về tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia vừa mới được cập nhật. Cuối tháng trước, người ta giật mình với thực trạng của thi công tại Cảng Vân Phong.Được kỳ vọng sẽ trở thành cảng nước sâu của Việt Nam, góp phần quyết định trong việc giải tỏa ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng hiện nay; hơn thế, Vân Phong sẽ hướng tới phát triển thành một cảng trung chuyển quốc tế, đưa Việt Nam góp mặt vào bản đố các thương cảng lớn của thế giới. Nhưng sau cả năm trời khởi công, nơi đây chưa có động thái thi công nào đáng kể. Nhiệm vụ quan trọng, mong ước lớn lao nhưng Vân Phong vẫn chỉ tồn tại là một vịnh nước sâu nhiều tiền năng mà người ta chưa thấy hình hài một thương cảng.

Trong khi đó, mới đây nhất, thông báo từ chủ đầu tư cho biết, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Binh sẽ không thể hoàn thành đúng tiền độ dù đã được gia hạn ít nhất 3 lần. Thậm chí, cả phương án cấp cứu là thông xe tạm một phần đường, kết nối vào hệ thống giao thông cũ để giảm tải cho quốc lộ 1A cũng thất bại vì tiến độ hiện nay cũng không thế đáp ứng phương án cấp cứu đơn giản nhất. Vì thế, quốc lộ 1A vẫn tiếp tục quá tải còn các DN và người dân thì tiếp tục chờ với niềm tin: kiểu gì cũng sẽ có thêm mấy chục km đường cao tốc trong tương lai... chưa xác định.

Còn ở phía Nam, cây cầu Đồng Nai vốn nổi tiếng với sự xuống cấp, quá tải và những tai nạn thảm khốc. Vì thế, dự án xây cầu mới đã được gấp rút triển khai. Những tưởng, với sự bức xúc của thực tế và yêu cầu phát triển thì cây cầu này sẽ được đẩy nhanh tiến độ và nhanh chóng hoàn thành. Tuy nhiên, thông tin mới nhất là sẽ bị chậm tiến độ.

Thi công dự án chậm chạp: Dân khổ, lãng phí tiền nhà nước | ảnh 1

Đây thực sự là những câu chuyện không mới nhưng mỗi lần đọc nó người ta không giấu nổi thất vọng vì việc chậm tiến độ đã là chuyện "thường" ở Việt Nam. Các thống kê hàng năm về đầu tư đều cho thấy, có hàng trăm và thậm chí hàng ngàn công trình bị chậm tiến độ không chỉ gây ra lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư, tác động gây ra lạm phát và đang nói nhất là chậm tiến độ nên các công trình này sẽ không thể đóng góp để nâng cao năng lực của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng như mục tiêu ban đầu.

Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với một số điểm nghẽn lâu năm như: trình độ nguồn nhân lực, thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng... Tại rất nhiều diễn đàn phát triển, các hội nghị xúc tiến đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận và cho biết đang rất nỗ lực để giải quyết những điểm tắc nghẽn này để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Thực tế, chính phủ đã dồn sức đầu tư rất lớn cho phát triển hạ tầng cả bằng nguồn vốn nhà nước, vốn vay và huy động các nguồn xã hội hóa khác.

Nhưng dù đổ nhiều tiền nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Thậm chí, càng quyết tâm và kỳ vọng vào một công trình nào đó nhiều khi lại rơi vào những thất vọng liên tiếp vì liên tục chậm tiến độ và trễ hẹn. Sự kém hiệu quả trong đầu tư của Việt Nam không chỉ gây ra lãng phí, tiêu cực mà còn làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, DN và người dân khi các mục tiêu đề ra được thực hiện không phải lúc nào cũng như lời nói.

Điều lo ngại là, lúc thường, các dự án đã có đủ thứ lý do để lý giải cho việc chậm tiến độ, kém hiệu quả thì trong hoàn cảnh thắt chặt đầu tư công và khó khăn chung của nền kinh tế lại càng có thêm lý do để bao biện cho sự yếu kém của mình. Và có lẽ còn lâu tình trạng này mới chấm dứt.

Chính vì thế, để có thể tạo sự đột phá trong giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, cần có một một cuộc rà soát lại các dự án đầu tư để có biện pháp tập trung đầu tư dứt điểm cho các dự án quan trọng và cấp bách. Đi kèm đó là phải làm tốt công tác giám sát từ khâu chuẩn bị cho đến thi công.

Có những tiêu chuẩn và tiêu chí rõ ràng để dễ dàng trong việc chọn lựa, đầu tư và xử lý đối các sai phạm. Chúng ta có quyết tâm cao trong đầu tư và đã thể hiện điều đó bằng việc dồn vốn và triển khai hàng loạt công trình nhưng có vẻ như quyết tâm đó cần được đảm bảo bằng việc triển khai một cách nhanh chóng và chất lượng nhất. Điều đó cần một cơ chế giám sát tốt và một chế tài mạnh để giải quyết điểm ngẽn gây chậm trễ trong các dự án thì mới mong giải quyêt được điểm nghẽn của nền kinh tế.

(Theo VEF)

  • 0
  • By Admin
  • 13/06/2011
  • 17