• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thép xây dựng vù vù tăng giá: Nhà thầu “lách”, tiến độ “tắc”

Hiện, giá thép bán tại các nhà máy vẫn vượt ngưỡng 15 triệu đồng/tấn, tăng xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn so với trước đó. Các nhà thầu xây dựng đã phải nghĩ ra rất nhiều “chiêu” để tránh giai đoạn mua thép giá cao.

Nghịch lý thép nội

Công trình hầm xả lũ tại Hải Dương là một trong số ít công trình “chịu” mua thép giá cao. Ảnh: M.H

Thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong tháng 9 giá phôi thép trên thế giới đã giảm còn khoảng 600 USD/tấn, thép phế liệu cũng giảm từ mức 420 USD/tấn, xuống còn 400 - 405 USD/tấn. Đây là mức giảm đáng kể (10- 30 USD/tấn) so với cuối tháng 8. Giá thép thành phẩm trong nước được cho là phụ thuộc chặt chẽ vào giá thế giới do nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 50% phôi thép và 70% thép phế liệu.

Vậy nhưng, khi giá thép trên thế giới đã giảm, hầu hết các nhà máy thép trong nước vẫn giữ nguyên giá bán hồi tháng 8, đồng thời áp dụng hình thức tăng mức chiết khấu cho các đại lý nhằm cạnh tranh tiêu thụ. Hiện giá bán thép tại các nhà máy trong nước đang ở trong mức khoảng 14,93 triệu đồng/tấn. Cộng với phí vận chuyển, giá thép đến chân công trình là 15,03 – 15,05 triệu đồng/tấn

Nghịch lý trên đã khiến các nhà thầu xây dựng hết sức bức xúc. Ngày 6/9, tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương, trả lời những câu hỏi xung quanh việc giảm giá thép trong nước theo giá thế giới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay tới đây sẽ tăng cường kiểm soát giá thép trên thị trường, thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng thép.

Theo đó, các cơ quan quản lý thị trường sẽ phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giá thép trên thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Chủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam lại cho rằng, khả năng chi phối thực sự trên thị trường thép nội địa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ chiếm dưới 53% nên việc tham gia điều tiết giá rất hạn chế. Lý giải này mặc nhiên xác định rằng, việc “làm giá” của các nhà sản xuất thép nội địa là không có dù thực tế thị trường lại đang diễn biến không theo quy luật.

Tuy nhiên, khi vấn đề “tại sao giá nhập phôi thép đã giảm mà giá thép vẫn đứng ở mức cao” được đặt ra thì mọi việc mới được “rõ ràng”. Một đại diện ngành thép biện hộ rằng, ngành thép phải bảo toàn vốn để tái sản xuất. Phải bảo đảm bán 1 tấn thép thành phẩm vẫn nhập được 1 tấn nguyên liệu.

Hơn nữa, không thể lấy lãi của 1-2 tháng để đánh giá là ngành thép đang lãi lớn, phải lấy lãi tháng này bù trừ cho những tháng trong năm. Điều này cho thấy, quy luật thị trường đã không có tác dụng trong trường hợp này?!

Nhiều chiêu “lách” giá

Giá thép trong nước vẫn đứng ở mức cao trong khi giá phôi thép trên thế giới đã hạ nhiệt, điều này khiến nhiều nhà thầu nuôi hy vọng thép trong nước sẽ “hạ nhiệt” trong ít ngày tới. Để bảo toàn sản xuất, không ít nhà thầu đã thực hiện rất nhiều chiêu để “lách” giá thép cao.

Anh Đỗ Văn Hưng, Chỉ huy trưởng công trường, Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Ninh Long, Hà Nội cho biết: “Hiện chúng tôi đang thi công 2 toà nhà tại khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) nhưng giá thép đang ở mức quá cao. Chỉ sau nửa tháng, chúng tôi mất cả 100 triệu đồng nếu nhập 100 tấn thép, mức thiệt hại quá lớn. Tôi hạn chế lấy thép giá cao bằng cách chuyển sang làm các hạng mục khác không liên quan đến thép như cho công nhân xuống tầng 1 hoàn thiện toà nhà: lát gạch, trát vữa, xây tường rào...”.

Cũng theo anh Hưng, cách “lách” giá thép này cũng là “cực chẳng đã” và là giải pháp tình thế mà thôi. Bởi nếu kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình sẽ bị chậm lại, mức thiệt hại cũng không nhỏ, nên anh đã phải tính toán để sử dụng triệt để thời gian cho công nhân chuyển làm những hạng mục khác. Tính ra cách “lách” giá này vẫn có lợi hơn là việc tiếp tục nhập về số lượng lớn thép với mức giá cao để xây dựng. Anh Hưng tin rằng khoảng 10 ngày nữa, giá thép sẽ hạ nhiệt vì giá phôi thép thế giới đã có mức giảm đáng kể.

Anh Vũ Đình Nguyên, Công ty xây dựng công trình giao thông vận tải 842, Tổng công ty xây xựng công trình giao thông vận tải 8, chịu trách nhiệm thi công nhà máy lọc dầu tại Tĩnh Gia, Thanh Hoá cho biết: “Tiến độ xây dựng của chúng tôi không được phép chậm lại, nên chúng tôi buộc phải lấy thép giá cao. Tuy nhiên, để kéo lại mức cao của giá thép, tôi lấy hàng ở mối quen và mua nợ khoảng 50% số tiền phải trả và dùng số tiền đó cho những loại vật liệu đang có mức giá hợp lý hơn. Tất nhiên, đó là cách chiếm dụng vốn có lợi”.

Các chuyên gia cho rằng, để giá thép luôn có mức giá hợp lý cần phải làm rõ giá thép thế giới tăng bao nhiêu và tương quan với đó là giá tại thị trường trong nước. Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và tình hình sản xuất khẩn trương những tháng cuối năm, không chỉ riêng mặt hàng thép mà những mặt hàng trọng yếu cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh sản xuất, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu và bình ổn thị trường, thì mới mong có thể đưa thị trường về đúng giá trị thực của nó.

(Theo GiadinhNet)

  • 260
  • By Admin
  • 14/09/2010
  • 17