Thép Việt có nguy cơ bị thép Trung Quốc "lấn sân"
Ảnh minh họa |
Tại buổi sơ kết sáu tháng đầu năm của ngành thép diễn ra sáng 27/7, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép chưa bao giờ khó khăn như hiện tại. Tính chung sáu tháng đầu năm, sản lượng toàn ngành thép ước đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Chủ tịch VSA, tuy đến nay chưa có doanh nghiệp thép nào tuyên bố phá sản, nhưng chết lâm sàng thì đã nhiều, chỉ là chưa chính thức công bố.
Thép Việt có nguy cơ bị “lấn sân”
Cũng như nhiều mặt hàng khác, ngành thép đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn về vốn, về tình trạng tồn kho, thu hẹp sản xuất… Song thời điểm này, các doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh từ thép Trung Quốc.Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, sự trầm lắng của thị trường bất động sản đã kéo theo lượng tiêu thụ thép trong nước sụt giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ thép thế giới cũng không mấy sáng sủa. Trong khi đó, sản lượng thép thế giới đang tăng lên, nhất là thépTrung Quốc, mỗi năm xuất khẩu trên 700 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng thép thế giới.
Ông Bùi Quang Triệu, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận, kinh tế thế giới khó khăn dẫn tới dư thừa nguồn cung từ một số nước và họ đang có xu hướng xuất khẩu sang Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2012, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 31% so với cùng kỳ 2011 (chủ yếu là thép cuộn, thép dây).
Tuy nhiên, trước tình hình dư thừa thép của Trung Quốc, không chỉ có thép cuộn, thép dây mà các loại thép khác đều nhăm nhe tràn vào Việt Nam. “Nếu không có biện pháp tích cực, thép Việt Nam sẽ nhường sân chơi cho các nhà sản xuất Trung Quốc”, ông Dương cảnh báo.
Nhiều đại diện đến từ các doanh nghiệp thép cũng đồng tình với cảnh báo của ông Dương vì hiện mặt hàng này ở Trung Quốc và một số nước khác đang được hưởng thuế xuất - nhập khẩu thấp, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… do vậy giá thép của họ cạnh tranh hơn thép sản xuất trong nước.
Hạ lãi suất xuống 7-8%/năm
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thép, nhiều quan điểm cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đoàn kết, hỗ trợ nhau tìm thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin.Còn theo ông Phạm Chí Cường, để "giải cứu" các doanh nghiệp thép, Ngân hàng Nhà nước cần phải hạ thấp hơn nữa mức lãi suất, xuống còn khoảng 7 – 8%/năm.
Với khó khăn về lãi suất, ông Bùi Quang Triệu cho rằng, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thép vay vốn với lãi suất hợp lý, đồng thời mở rộng đầu tư công trình xây dựng cơ bản do nhà nước bỏ vốn, cơ sở hạ tầng, đường xá và công trình nhà, kể cả việc tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản vì đây là ngành gắn với tiêu thụ sắt thép…
“Bộ cũng đã có quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 -2030. Là cơ quan được ủy quyền, Bộ Công Thương được giao xây dựng theo hướng ưu tiên dự án sản xuất sản phẩm Việt Nam đang thiếu như: sản xuất phôi thép từ quặng sắt, hạn chế sản xuất phôi thép từ lò điện, lò quang….Các doanh nghiệp thép rồi sẽ hình dung ra bức tranh ngành thép như thế nào”, ông Triệu cho biết./.
(Theo Tổ quốc)
- 186
- By Admin
- 28/07/2012
- 17