Thêm tỉnh Hải Dương được xây trung tâm hành chính 2.000 tỷ
Vị trí của khu TTHCTT Hải Dương là tại khu đô thị mới phía đông thành phố, trong khuôn viên có diện tích khoảng 19 ha. Công trình này sẽ được triển khai theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT). Khi hoàn thiện, tòa nhà này sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền tỉnh Hải Dương.
Theo thiết kế, tòa nhà TTHCTT Hải Dương gồm 5 khu chính, đó là: khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc của khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị tỉnh; khu sân đường nội bộ, cây xanh, quảng trường, bãi gửi xe, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và cuối cùng là khu dịch vụ.
Không riêng gì Hải Dương, trước đó đã có nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng... đã triển khai xây dựng TTHCTT. Theo lời KTS Ngô Viết Nam Sơn thì “đang có một phong trào đầu tư xây dựng các TTHCTT tại nhiều tỉnh, thành với chi phí cao và quy mô lớn”.
Mô hình trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Rất nhiều địa phương hiện đã hoặc đang có kế hoạch xây TTHCTT. Ảnh: website UBND Tỉnh Lâm Đồng |
Đi đầu trong "phong trào" xây TTHCTT phải kể đến tỉnh Bình Dương (kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (kinh phí trên 1.000 tỷ đồng hay Đà Nẵng (kinh phí khoảng 1.900 tỷ đồng) và Lâm Đồng (kinh phí 1.014 tỷ đồng).
Hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã tính toán sẽ chi ra khoảng 2.200 tỷ đồng xây dựng khu TT hành chính tại KĐTM Tam Phước, Biên Hòa, còn tỉnh Khánh Hòa cũng định chi đến 5.500 tỷ đồng để dời TT hành chính tỉnh về phía Tây Nha Trang. Các tỉnh khác như Bình Thuận, Bình Định… cũng đã lên kế hoạch, dự án xây TTHCTT.
Theo các địa phương, lý do xây TTHCTT là vì nó cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm và thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý.
Chẳng hạn tại Đà Nẵng, theo lãnh đạo thành phố, hầu hết trụ sở các ban ngành của Đà Nẵng trước đây đều là nhà công sản đã có từ thời bao cấp và hiện đang xuống cấp, kiến trúc rất lạc hậu lại nằm rải rác nhiều nơi, rất bất tiện cho người dân, doanh nghiệp khi liên hệ công việc...Đến nay, khi có TTHCTT mọi chuyện đã thuận lợi hơn.
Còn lãnh đạo của tỉnh Bình Dương thì nhận thấy, TTHCTT giúp quy mô của các cơ quan nhà nước “gọn hơn”, đặc biệt là giúp giảm được chi phí xe, xăng đi lại, chi phí bưu điện chuyển công văn (từ cơ quan này đến cơ quan khác đều đưa trực tiếp), chi phí bảo vệ, cây xanh...
Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, thực tế cho thấy, có không ít trung tâm hành chính xây quy mô quá hoành tráng nhưng lại không có mấy người dân đến làm việc - nghĩa là công trình được xây với quy mô quá nhu cầu.
Cũng theo ông Sơn, việc một số tỉnh, thành tập trung các cơ quan hành chính vào cùng một tòa nhà trong nhiều trường hợp cũng không cần thiết. Chẳng hạn một địa phương như Đà Lạt nếu xây cao ốc sẽ không thích hợp cho lắm. Thay vào đó, chính quyền Lâm Đồng nên tận dụng những ngôi biệt thự cũ rất có giá trị, có thể tu bổ lại để làm trung tâm hành chính- vì các khu hành chính tập trung cũng chỉ cần đáp ứng yêu cầu các sở, ban ngành đi bộ qua lại với nhau trong vòng bán kính 800m là được.
- 0
- By Admin
- 14/04/2015
- 17