Thất nghiệp, đói nghèo vì "nhường đất" làm sân golf
Những lời hứa với dân khi dân... "nhường đất"
Sân golf Long Thành tại xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên diện tích hơn 350 hecta, một phần nằm trên quả đồi rộng hơn 100 hecta, phần còn lại là đồng bằng được bao bọc bởi nhánh sông Đồng Nai.
Gia đình chị Phạm Thị Ngọc Trang mất đất trong dự án sân golf, chị không được giải quyết việc làm, phải đi xin việc bên ngoài, nhưng cũng rơi vào cảnh thất nghiệp do công ty khó khăn.
Dự án “đến”, gần 100 hộ dân phải “ra đi” để nhường đất cho chủ đầu tư với cái giá 11.000 – 13.000 đồng/m2. Cùng mức giá được coi “bèo bọt” này (theo người dân chưa hỗ trợ hệ số K) là lời hứa tạo công ăn việc làm cho những người có đất trong dự án, hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đất tái định cư…
Tuy nhiên, theo nhiều người dân mất đất, lời hứa này thực hiện… nửa vời! Nhiều gia đình đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong khi đất đai không còn để sản xuất, buộc họ phải làm đủ nghề để sinh sống.
Bà Trần Thị Đắc, xã Phước Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết, nhà có 13 miệng ăn, trông chờ vào 5 sào ruộng. Nhưng từ khi sân golf Long Thành được xây dựng, gia đình mất đất canh tác, đời sống bấp bênh, con cái thất nghiệp…
“Không chỉ chủ đầu tư sân golf mà chính quyền cũng hứa: Khi dự án sân golf hoàn thành, sẽ tạo công ăn việc làm cho những người trong độ tuổi lao động. Nhưng khi sân golf đi vào hoạt động thì làm ngơ” - bà Nguyễn Thị Hồng, 51 tuổi (ngụ ấp Tân Mỹ 2, xã Phước Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai) bức xúc nói.
Bà Hồng còn cho biết, diện tích đất của gia đình đều nằm trong dự án sân golf, giờ không còn đất để xây nhà, phải dựng tạm cái chòi trên một khu đất trống gần sân golf sống tạm.
Cùng cảnh khổ như bà Đắc, bà Hồng, nhiều người dân cho rằng phía chủ đầu tư sân golf Long Thành có thiện chí xây khu tái định cư cho dân, nhưng chất lượng không như lời hứa ban đầu (diện tích đất dành cho một hộ là 300m2), thực tế chỉ có 210m2). Đó là chưa kể nguồn nước ở khu tái định cư không đảm bảo vệ sinh khiến nhiều hộ dân không thể sống tại khu tái định cư; một số bán nền đất đi nơi khác, một số mua lại đất quyết “bám trụ” lại khu vực quanh sân golf.
Bị sa thải khi "làm thuê trên đất của chính mình"
Rơi vào tình cảnh “thiếu trước hụt sau”, thất nghiệp dài dài… là chị Phạm Ngọc Trang, tổ 11, ấp Tân Mai 2, xã Phước Tân, huyện Long Thành.
Tại Đồng Nai, nhiều dự án tái định cư trống trơn vì người dân không có thói quen vào khu dân cư tập trung.
Gia đình chị Trang có 5 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào nghề làm ruộng, thế nhưng từ khi dự án sân golf tới, số đất bị thu hồi của gia đình là gần 2.500m2. Nông gia mất đất thành ra không nghề nghiệp, chị phải tự bươn chải tìm việc làm…
“Khi lấy đất, phía chính quyền và chủ đầu tư hứa sẽ hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp cho 3 chị em, mỗi người được 2,8 triệu đồng. Nhưng lời hứa đó đã mấy năm nay chưa được thực hiện. Đi lên huyện, huyện nói lên tỉnh, đi năm lần bảy lượt vẫn chưa lãnh được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của 3 chị em. Không chỉ có gia đình tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự” - chị Trang bức xúc nói
Không có tiền chuyển đổi nghề nghiệp, không được đào tạo nghề, chị Trang xin làm công nhân tại Công ty Công nghiệp thực phẩm Ava. Nhưng do kinh tế suy thoái, công ty thu hẹp sản xuất, không có việc làm, chị thất nghiệp ở nhà, khoản thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng do đó cũng mất luôn.
“Mặc dù đã đem hồ sơ đi rất nhiều nơi, chỗ nào cũng nói để hồ sơ lại khi cần sẽ gọi, thế nhưng cả mấy tháng nay không thấy công ty nào gọi đi làm vì thế tôi đã quyết định vay vốn ngân hàng để nuôi bò vì số tiền đền bù chỉ đủ dựng căn nhà cho bố mẹ ở” – chị Trang nói.
Tương tự, là hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Quốc Huy (cũng ngụ tại xã Tam Phước, huyện Long Thành). Sau khi nhượng lại 1.000m2 đất để xây dựng sân golf, anh Huy và 3 người em được chủ đầu tư nhận vào làm việc tại sân golf; thế nhưng chỉ được khoảng 1 năm thì bị cho nghỉ việc không lý do.
Theo anh Huy, cuộc sống “tay lấm chân bùn” trước đây còn thoải mái hơn tình cảnh “sống dở, chết dở” như hiện tại. Khi bị buộc nghỉ việc, số tiền mà cha mẹ chia cho (mỗi người khoảng 40 triệu đồng) cũng đã hết từ khi nào. Anh phải bươn chải với đủ thứ nghề như chạy xe ôm, lên rừng chặt củi… để có tiền nuôi con ăn học.
Tình cảnh chị Huỳnh Thị Lan, ngụ tại xã Phước Tân, huyện Long Thành cũng khốn khổ không kém. Gia đình có 1.000m2 đất trong dự án sân golf, sau khi đền bù, chủ đầu tư cấp thêm cho chị một mảnh đất tái định cư khoảng 210m2 nhưng sau khi chồng mất chị phải bán đi để trả nợ.
Phía sau sân golf này là những cảnh đời khốn khó.
Chị Lan là một trong số ít người “may mắn” được làm việc trên đồng cỏ xanh tươi của sân golf với mức tiền công là 35.000 đồng/ngày. “Công việc lúc có, lúc không. 2 đứa con, một đứa còn đi học, một đứa làm công nhân ở Bình Dương. Bất ngờ, một ngày “đẹp trời” tôi bị chủ sân golf sa thải, không biết lý do vì sao” – chị Lan kể.
Đó là chưa tính tới trường hợp nhiều nông dân “may mắn” được vào làm tạp vụ ngay trên mảnh đất của cha ông mình như chị Nguyễn Thị Hiền, chị Huỳnh Thị Lan, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thị Hồng Oanh… Nhưng chỉ ít thời gian sau đó, họ cũng là một trong nhiều người bị chủ đầu tư sân golf sa thải không lý do.
Thực tế, phía chủ đầu tư dự án sân golf Long Thành cũng đã hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho mỗi người dân có đất trong dự án là 2,8 triệu/người. “Với số tiền ít ỏi, kiểu “phủi tay trách nhiệm” như vậy liệu có xứng đáng để người dân mất đất thuận tình ra đi” - ông Nguyễn Văn Thể, một người dân sống tại khu vành đai dự án sân golf Long Thành bức xúc nói.
Theo ông Thể, với giá đền bù từ 11.000 – 13.000 đồng/m2 đất, hộ nhận cao nhất cũng khoảng hơn 300 triệu đồng. Có một số tiền lớn trong tay, với người nông dân chẳng khác nào “gió vào nhà trống”.
Thế nhưng, cùng với thời gian, số tiền đền bù ít ỏi cũng dần cạn, họ phải bươn chải khắp nơi, làm đủ thứ nghề để sinh sống. Xa vườn ruộng, cuộc sống của người dân nơi đây lại bắt đầu với những nỗi lo mới.
- 0
- By Admin
- 08/04/2009
- 17