Thắt chặt tín dụng BĐS: Cơ hội vàng cho nhà đầu tư thực sự
Ông Đặng Quang - Trưởng phòng cấp cao tư vấn chiến lược và dịch vụ của tập đoàn Jones Lang LaSalle, tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ và nghiên cứu thị trường BĐS đã trao đổi với báo chí về những vấn đề trên.
Theo ông Quang, với việc lãi suất tiền gửi tăng cao… gần đây làm cho phí xây dựng tăng hơn 40% so với quý III/2007. Việc đầu tư tài chính vào BĐS đã kém hấp dẫn và kém đảm bảo so với mức lãi suất tiền gửi hiện tại.
Hơn nữa các sản phẩm do các chủ dự án cung cấp ra thị trường dường như không có định hướng rõ ràng về phân khúc thị trường, đặc biệt là sản phẩm từ những công ty non trẻ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm mà sức mạnh kinh doanh chủ yếu của họ phụ thuộc vào việc sở hữu một quỹ đất dồi dào.
Đầu tư vào chiến lược phát triển sản phẩm và nghiên cứu thị trường đang bị nhiều nhà đầu tư trong nước bỏ qua.
* Việc thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến với thị trường BĐS hiện nay, thưa ông?
Trong giai đoạn hiện nay, việc vay ngân hàng để đầu tư cho BĐS là khó. Nhưng theo tôi đây là quyết định cần thiết tránh sự đổ vỡ của các ngân hàng vì phụ thuộc quá nhiều vào BĐS.
Chắc chắn các dự án hiện nay sẽ khó tìm được nguồn vay so với trước. Hiện nay, ngân hàng sẽ yêu cầu các dự án có chất lượng đầu tư tốt hơn trước khi họ cho vay.
Đối mặt với những khó khăn này, nhiều nhà đầu tư kêu gọi người cùng đầu tư tăng cường huy động vốn; một số người còn buộc phải chuyển nhượng quyền phát triển dự án cho người khác.
Đây là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhiều vốn và sự hiểu biết về thị trường để giành lấy các dự án đầu tư trung và dài hạn. Đặc biệt, điều đó rất tốt, nó sẽ thanh lọc thị trường, chỉ có những nhà đầu tư thực sự mới đáp ứng được và như thế thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn.
* Là nhà đầu tư nước ngoài, theo ông những yếu tố nào đang khiến thị trường BĐS Việt Nam kém minh bạch so với các nước khác?
Mới đây, khảo sát của chúng tôi cho thấy thị trường BĐS của VN có nhiều cải thiện, đặc biệt lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất. Việc công khai đấu giá quyền sử dụng đất đã góp phần tăng tính minh bạch của thị trường BĐS.
Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực cần phải cải thiện nhất là trong các lĩnh vực đầu tư BĐS.
Cái “vướng” nhất liên quan đến tính minh bạch theo tôi chính là ở khâu giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” cho các nhà đầu tư (đất “sạch” ở đây được hiểu là đất đã GPMB). Đây là lĩnh vực mà hiện nay các nhà đầu tư quan tâm nhất, bởi bất kỳ một nhà đầu tư nào khi vào Việt Nam, câu đầu tiên người ta hỏi là: “Anh có đất không?”. Nếu có thì đất đó đã “sạch” chưa? Và đây cũng là nỗi lo của các nhà đầu tư.
* Nhưng trong các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai gần đây Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thông thoáng, tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư?
Khi chuẩn bị thực hiện một dự án đầu tư chúng tôi đã phải quan sát rất kỹ. Vì vấn đề đền bù giải tỏa là phức tạp, làm sao để doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người dân, nếu như không có sự tham gia của chính quyền địa phương.
Tôi thấy các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm theo dạng liên doanh hơn là làm 100% dự án. Để thực hiện đầu tư bước đầu tiên là họ cố gắng tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước đủ năng lực và đủ độ tin cậy để giúp họ hoàn thiện thủ tục pháp lý. Không ai hiểu các chính sách và thủ tục bằng chính các CTy tư vấn trong nước.
Theo dự báo của Jones Lang LaSalle, đến cuối năm 2009 hoặc đầu 2010 khi các yếu tố của nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định, với sự hỗ trợ của các chính sách mới như quyền sở hữu căn hộ của người nước ngoài và xóa bỏ quy định giới hạn số lượng nhân viên nước ngoài, thị trường căn hộ sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn hạ nhiệt tạm thời này.
- 525
- By Admin
- 12/06/2008
- 17