• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tháo gỡ vướng mắc cho hợp đồng xây dựng

Đây là lần đầu tiên vấn đề hợp đồng trong xây dựng được quy định riêng trong một nghị định, tạo thuận lợi cho việc xử lý những phát sinh trong quá trình xây dựng, đặc biệt là biến động giá vật tư xây dựng, dẫn đến phải điều chỉnh đơn giá đối với các công trình xây dựng cơ bản.

 

Tháo gỡ vướng mắc cho hợp đồng xây dựng

Khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị… có biến động bất thường, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng xây dựng thì được điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng.

Bất cập trong cơ chế vận hành

Năm 2005, Chính phủ đã ban hành nghị định 16 về quản lý đầu tư xây dựng công trình, trong đó có quy định về hợp đồng xây dựng nhưng chưa cụ thể. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt trải qua đợt biến động giá vật tư xây dựng “chóng mặt” cuối năm 2007, đầu năm 2008 cho thấy những quy định về hợp đồng xây dựng trong nghị định 16 còn nhiều bất cập.

"Cơn bão" tăng giá vật tư, vật liệu xây dựng trên khiến hầu hết các nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông lao đao, làm các công trình bị chậm tiến độ. Theo tính toán của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), giá vật tư tăng khiến các công trình tăng giá khoảng 30- 40% so với số vốn ban đầu. Chính vì vậy, các nhà thầu xây dựng công trình luôn đói vốn và phải chờ đợi các cơ quan chức năng bù chênh lệch giá.

Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư 09 về xử lý điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng, Bộ GTVT ban hành văn bản 4199 hướng dẫn xử lý vấn đề trên nhưng chủ đầu tư, nhà thầu khó có thể áp dụng.

Theo đó, nếu bù giá theo hóa đơn, chứng từ mà nhà thầu cung cấp thì “rủi ro” cho Nhà nước, còn bù theo thông báo giá của địa phương lại quá chậm và thấp hơn nhiều so với thực tế mà nhà thầu mua. Hơn nữa, khi ban hành thông báo giá, các địa phương không quên chèn vào câu “chỉ để tham khảo”, khiến các chủ đầu tư hết sức lúng túng.

Do vậy khi xử lý những vấn đề phát sinh, nhà thầu thì trông chờ vào ban quản lý dự án (QLDA), chủ đầu tư; còn chủ đầu tư, ban QLDA lại sợ làm sai, sợ trách nhiệm nên phải “nhìn” lên bộ chủ quản; bộ lại ủy quyền cho chủ đầu tư, ban QLDA... Điều này cho thấy có sự thiếu đồng bộ về cơ chế, trở thành “cái vòng luẩn quẩn”, rất khó thực hiện.

Gỡ khó cho chủ đầu tư và nhà thầu

Theo lãnh đạo một số ban QLDA của Bộ GTVT, nghị định số 48 của Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp việc xử lý chênh lệch khi có biến động giá vật tư xây dựng đỡ phức tạp hơn thời gian qua.

Theo quy định, khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị… có biến động bất thường, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng xây dựng thì được điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng.

Việc điều chỉnh phải được phép của cơ quan quyết định đầu tư dự án và các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Việc điều chỉnh giá vật tư và điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Quy định trên sẽ thuận lợi hơn cho việc điều chỉnh giá hợp đồng, tránh tình trạng do biến động giá cả làm chậm tiến độ các công trình xây dựng.

Theo TTXVN
  • 154
  • By Admin
  • 01/06/2010
  • 17