• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thành phố ven sông Hồng “giờ là dự án cấp quốc gia"

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, ông Dương Đức Tuấn - PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, người phụ trách chính vấn đề quy hoạch của dự án sông Hồng cho biết, khi lồng ghép, dự án "Thành phố ven sông Hồng" sẽ có một số điều chỉnh. Ông Tuấn cho biết:

Việc một số đơn vị báo chí gọi việc lồng ghép dự án Thành phố ven sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô là "tái khởi động" dự này là không "chuẩn" vì thực tế này chưa hề dừng hay tạm dừng. Thành phố Hà Nội đã ký kết với thành phố Seoul (Hàn Quốc) thỏa thuận giai đoạn 2 dự án quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội từ tháng 7/2009 và hiệu lực đến năm 2011. Thời gian gần đây có hơi im ắng là bởi lẽ Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể  là yêu cầu các cấp, các ngành phải lồng ghép nghiên cứu Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào đồ án quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Thời gian vừa qua chủ yếu làm cái việc lồng ghép hai hệ thống quy hoạch.

Các nội dung lồng ghép của dự án sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô thì hiểu rằng đấy là những nội dung cơ bản nhất, nguyên tắc nhất mà mang tính quy hoạch chung của sông Hồng vào quy hoạch chung của Hà Nội. Tháng 12/2010 hoặc tháng 1/2011, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quy hoạch chung của Thủ đô, đồng nghĩa với việc duyệt nội dung khung của quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội mà đã được lồng ghép vào quy hoạch chung. Sau đó sẽ triển khai các quy hoạch lớp sau.
Phối cảnh khu 2 dự án sông Hồng: Bãi Tứ Liên sẽ được chuyển thành không gian xanh.

Nhà cao tầng thành không gian xanh

Thưa ông, dự án quy hoạch sông Hồng sau khi được lồng ghép với quy hoạch chung của thủ đô thì có những thay đổi nào?

Dự án này có 4 khu chức năng theo như quy hoạch của bên thành phố Seoul phối hợp với Hà Nội đề xuất, riêng khu 2 của hữu ngạn phía nam sông Hồng (bãi Tứ Liên) mà Seoul đã đề xuất làm một rừng những nhà cao tầng thì nay, trong quá trình cập nhật quy hoạch chung sẽ chuyển thành không gian xanh. Sau đó triển khai các công trình mang tính thời đại của trung ương và địa phương đóng tại đây, đây là những công trình văn hóa phục vụ công cộng, sẽ không còn nhà cao tầng nữa.

Khu nữa sẽ được điều chỉnh là tả ngạn khu 4, địa phận giáp với làng cổ Bát Tràng vì vậy sẽ không được phép phát triển quy mô lớn nữa. Ngoài ra ở phía hữu ngạn khu 1 (Thượng Cát) sẽ được chuyển hóa cơ bản thành công viên. Quy hoạch mà phía Seoul đưa ra trong nghiên cứu giai đoạn 1, nay cập nhật quy hoạch chung và triển khai giai đoạn 2 thì chỉ có biến đổi thế thôi, về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Tiêu lũ là vấn đề được dư luận cũng như nhiều nhà khoa học quan tâm trong dự án, đến thời điểm này vấn đề đó đã được khai thông?

Theo Luật Đê điều, Hội đồng nhân dân TP đã có Nghị quyết thông qua Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê mà trong đó có sông Hồng. Chỉ số thoát lũ đã được quy hoạch chung Thủ đô cập nhật, đồng nghĩa với quy hoạch sông Hồng cũng phải cập nhật chỉ số phòng chống lũ đó. Việc chỉ còn là xử lý vấn đề đê điều nữa thôi. Bên phía Viện Khoa học thủy lợi đã đưa ra phương án quy hoạch đê, thoát lũ sông Hồng về mặt thiết kế là rất an toàn vì tính tới lũ 500 năm mới xảy ra một lần.

Nhiều người cho rằng, dự án nạo vét lòng sông không có tính khả thi bởi lượng phù sa hàng năm cần nạo vét lên tới  80 triệu m3, dự án giai đoạn 2 giải quyết vấn đề này như thế nào?

Hiện nay chưa có một kế hoạch nào về nạo vét cả. Cái cơ bản là đã xác lập được hành lang phòng chống lũ thì đã đảm bảo điều kiện về thủy lợi. Chương trình nạo vét để khơi thông dòng chảy là của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Thủy lợi riêng, không liên đới gì với quy hoạch phát triển cả. Đó là một nội dung riêng, quy hoạch là nội dung riêng, còn về sau này, dự án chỉnh trị sông Hồng có bao gồm cả nạo vét nữa thì là chuyện của các chuyên ngành.

Việc di dân cũng được cho là khá phức tạp với dự án này, vấn đề này dự định triển khai như thế nào sau khi dự án được lồng ghép với quy hoạch chung của Thủ đô?

Việc di 170.000 dân tương đương với 39.000 hộ để thực hiện dự án vẫn giữ nguyên tắc là cơ bản tái định cư tại chỗ, tương quan với việc xác lập dân số liên quan đến quy hoạch sông Hồng. Còn lại là tái định cư phụ cận sang bên Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Nhưng đây là chương trình của phát triển dự án đầu tư, hiện nay mới đang trong giai đoạn quy hoạch. Sau khi quy hoạch được duyệt đến việc dự án đầu tư, lúc đó mới tính đến đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án này chủ yếu phấn đấu tái định cư tại chỗ và tái định cư phụ cận để giữ ổn định dân cư.

Từ năm 2008, khi dự án bắt đầu được khởi động, số tiền đầu tư cho dự án ban đầu là 2 tỷ USD, rồi nâng lên 7, 1 tỷ USD, hiện nay có sự thay đổi nào nữa không?

Theo tôi, đây không phải là vấn đề đáng lo lắng. Thứ nhất, dự án không còn là sự hợp tác giữa hai thủ đô là Hà Nội và Seoul mà bây giờ được nâng tầm dự án cấp quốc gia. Hàn Quốc và Việt Nam trước đây là đối tác hợp tác nhưng giờ trở thành đối tác chiến lược nên có động lực huy động vốn mới. Thứ hai, vốn là từ đất mà ra. Khai thác giá trị sử dụng đất tại chỗ, đồng thời là cơ chế BT (đổi đất lấy hạ tầng) nên vấn đề về vốn không còn là vấn đề quan trọng. Quy mô đầu tư của tuyến sông Hồng tùy thuộc vào đa nguồn vốn. Đối tác của 2 quốc gia có nguồn ưu đãi đặc biệt của 2 Chính phủ thuộc hệ thống ngân sách Nhà nước, nhưng bây giờ chưa phải là lúc tính toán đến vấn đề về vốn, mà giờ phải trông chờ quy hoạch xong mới tính đến dự án đầu tư và số vốn cụ thể.

Xin cảm ơn ông!            

"Chỉ cần 10 năm là xong"

Theo ông, vấn đề lớn nhất hiện nay của dự án sông Hồng là gì?

Vấn đề lớn nhất bây giờ là sau khi quy hoạch chung được duyệt là phải lập quy hoạch phân khu của sông Hồng, sau đó quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ chia thành 4 đến 8 quy hoạch chi tiết. ứng với mỗi quy hoạch chi tiết có một dự án đầu tư, lúc đó mới tính đến vấn đề về vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng.

Mốc thời gian đến 2020 để hoàn thành dự án sông Hồng, theo ông có khả thi?

Rất khả thi, 10 năm thôi là đủ để hoàn thành dự án này.

(Theo ĐS&PL)

  • 0
  • By Admin
  • 13/11/2010
  • 17