Song hành với sự phát triển nhanh của thị trường bất động sản thời gian qua là việc ra đời hàng loạt công ty nghiên cứu thị trường và quản lý bất động sản tại Việt Nam (gọi chung là các công ty quản lý bất động sản).
Cùng với đó là những bản “báo cáo” thị trường (mà thực chất là thống kê khách hàng của các công ty quản lý bất động sản) và hàng loạt khuyến cáo về thị trường căn hộ cao cấp, văn phòng, bất động sản công nghiệp, du lịch… được đưa ra.
Trong điều kiện thông tin về thị trường bất động sản còn hạn chế, những bản “báo cáo” này lập tức được báo chí trong nước hưởng ứng và có rất nhiều bài viết chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những nguồn thông tin có vẻ chính thống này.
Vào thời điểm cuối năm 2007, ngoài sự làm giá của các chủ đầu tư, cơn sốt căn hộ cao cấp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã được gia nhiệt đáng kể bởi những thông tin kiểu “dự án A cháy hàng”, “dự án B đã bán hết 3 tháng trước khi khởi công”, hay phải đóng tiền vào tài khoản ngân hàng mới được “suất mua”… của các công ty quản lý bất động sản.
Hệ quả là những phân khúc thị trường căn hộ cao cấp trong một thời gian ngắn đột ngột tăng giá lên 1.500 USD/m2 rồi 2.000 USD/m2; 3.000 USD/m2, thậm chí có những dự án được đẩy lên 5.000 USD/m2.
Nhưng không lâu sau đó, các căn hộ đã rớt giá thảm hại (dự án nào thì đến nay khách hàng đều rõ) và phần thua thiệt chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân.
Từ đầu năm 2008 đến nay, khi chi phí sản xuất không ngừng gia tăng, giá cả hàng hóa ngày một đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu bằng cách hạn chế tối đa các hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn, tạm dừng mở các văn phòng, trụ sở mới… khiến diện tích văn phòng các hạng A, B và đặc biệt là diện tích văn phòng hạng C dôi dư khá nhiều, thì các thuật ngữ “cháy chỗ”, “hết chỗ” “cung không đủ cầu”… vẫn được sử dụng thường xuyên trong các bản “báo cáo” thị trường của các công ty quản lý bất động sản. Hệ quả là, giá thuê văn phòng loại A và B đã bị “hét” lên gần gấp đôi so với năm 2006, dao động 50-100 USD/m2/tháng.
Giám đốc một công ty có 25 nhân viên, hoạt động trong lĩnh vực thương mại cho biết, với diện tích 150 m2 để làm văn phòng, với giá văn phòng hạng B vào khoảng 40 USD/m2/tháng, doanh nghiệp của ông đã phải chi tới 6.000 USD/tháng.
Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê văn phòng đã gần bằng tiền lương của tất cả nhân viên trong công ty cộng lại. Sự thổi phồng về giá cho thuê văn phòng một cách vô tình, hoặc cố ý làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), các nhà đầu tư, người tiêu dùng và làm giảm sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế.
Trên thực tế, từ đầu năm 2008 đến nay, diện tích văn phòng (hạng A, B, C) còn trống khá nhiều. Là một trong số các khu thương mại hạng B khai trương trong quý II/2008, cao ốc hạng B Hà Thành Plaza nằm trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa (Hà Nội) cung cấp thêm cho thị trường gần 10.000 m2 diện tích bán lẻ. Đến nay, chỉ có diện tích tại tầng 1 và 2 là cơ bản được lấp kín, còn diện tích tầng 3 - 5 vẫn đang tiếp tục cho thuê, với tốc độ khá chậm.
Từ nay đến cuối năm 2008, Hà Nội sẽ có thêm một số tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại hạng A và B được đưa vào sử dụng như: The Garden, King Building hay Military Bank Building...
Ngoài ra, hàng chục tòa văn phòng hạng C nằm trong khu vực vành đai II có quy mô 1.000 - 2.000 m2 sàn cũng sẽ sẵn sàng đón khách.
Chủ đầu tư một tòa văn phòng hạng C như thế này trên phố Thái Thịnh cho biết, thông tin cho thuê mặt bằng đã được đăng báo từ vài tháng nay, nhưng có rất ít doanh nghiệp tìm đến. Hiện tại, các chủ đầu tư đã phải tính đến các “chiêu” tiếp thị bài bản để thu hút khách hàng.
Theo ĐTCK