• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thận trọng khi tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang

Thận trọng khi tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang | ảnh 1
Biệt thự bỏ hoang tại Mỹ Đình. Ảnh: H.T

Số nhà biệt thự do đầu tư, đầu cơ tích trữ này đã gây lãng phí lớn về quỹ đất và chi phí đầu tư xây dựng.

Mới đây, trong một động thái xử lý kiên quyết đối với biệt thự bỏ hoang, Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án.

Phương án đầu tiên mà Bộ Tài chính đưa ra là đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang, mức thuế suất cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian bỏ hoang. Theo đó, nếu sau 3 tháng mà không đưa biệt thự vào sử dụng, thì sẽ đánh thuế 5% trên giá trị hợp đồng; sau 1 năm mà biệt thự đó vẫn để hoang, thì sẽ bị tính thuế 10% trên giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, để việc đánh thuế với biệt thự bỏ hoang có tính pháp chế, thực thi cao, cần tính toán giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề.

Phương án thứ hai là xử phạt hành chính. Theo phương án này, nếu biệt thự bỏ hoang, thì chủ sở hữu tài sản này sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng/căn. Phương án thứ ba là tính thuế theo diện tích đất của căn nhà với mức thuế 0,15%/năm theo giá trị hợp đồng mua nhà.

Ngay khi được đề xuất, 3 phương án trên đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, đánh thuế là biện pháp hữu hiệu để chặn tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ đầu cơ và đầu tư để có cách xử lý phù hợp. Đầu cơ là mua đi, gom lại, làm mất cân đối giả tạo trong cung cầu, đẩy giá lên cao nhằm thu siêu lợi nhuận. Vì vậy, sử dụng biện pháp đánh thuế là đúng đắn.

Đồng quan điểm, ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh chia sẻ, việc xử lý các doanh nghiệp đầu cơ biệt thự bỏ hoang cần được tiến hành một cách thận trọng. Cơ quan chức năng nên kiểm tra tính pháp lý của các dự án, công trình này, tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới việc bỏ hoang. Nếu chủ đầu tư vi phạm, thì có thể vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để xử phạt. Còn nếu người dân mua, nhưng chưa hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng, thì khó đặt ra quy định xử phạt, mà phải tìm giải pháp khác để xử lý.

Với quan điểm cần xem xét một cách toàn diện và khách quan, ông Cao Ngọc Xuyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính cần được cân nhắc kỹ. Thị trường có lúc tăng, lúc giảm, kinh doanh có lúc lỗ, lúc lãi, nên khi đánh thuế cũng cần phải điều tra, nghiên cứu kỹ để tránh việc thuế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, tuy ủng hộ việc đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang, nhưng nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn.

Ông Ngô Kim Khanh, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc 9+ nhận định, đánh thuế biệt thự bỏ hoang là giải pháp tích cực song để thực hiện được cũng không đơn giản, nhất là trong việc xác định nguồn gốc tài sản, cũng như nguyên nhân bỏ hoang.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc đánh thuế, phạt hành chính nhà biệt thự bỏ hoang là không khả thi, vì tiêu chí “bỏ hoang” là khá mông lung và quyền sở hữu, định đoạt tài sản đã được quy định trong nhiều bộ luật.

Về vấn đề này, LS. Nguyễn Quang Thành (Văn phòng Luật sư Thành & Cộng sự) cho rằng, việc đánh thuế cao đối với nhà để trống là biện pháp hữu hiệu để chống tình trạng đầu cơ đất đai. Đối với biệt thự xây thô, theo quy định của pháp luật, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, nên có thể căn cứ vào Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để xử lý và không cần ban hành thêm nghị định phạt đối với việc bỏ hoang.

(Theo VIR)

  • 0
  • By Admin
  • 01/06/2011
  • 17