Thận trọng để khỏi giải quyết hậu quả
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, UBND TP đã ký duyệt cho 3 dự án nhà ở thương mại (với hơn 6.000 căn hộ) được chuyển đổi một phần sang nhà ở xã hội (NƠXH). Cụ thể, chung cư CC1- khu 2, khu tái định cư Bến Lức, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh được chuyển đổi 1.060 căn. Khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư 584, huyện Bình Chánh được chuyển 418 căn. Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền, quận 8 được chuyển 1.056 căn hộ tái định cư thành 3.916 căn NƠXH. Bên cạnh đó, UBND TP cũng chấp thuận chuyển chung cư Thái Bình Plaza, quận 2 thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế 500 giường bệnh.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho rằng việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang NƠXH phải được thực hiện bằng tổng thể các giải pháp, tránh làm tăng dân số cục bộ, cũng không đẩy từ tồn kho dự án thương mại sang tồn kho NƠXH. “Không thể một dự án cứ dán mác NƠXH vào là trở thành NƠXH. Chất lượng thấp, những tiêu chí về hạ tầng không bảo đảm thì dù có chuyển sang làm NƠXH cũng không ai mua, rồi sẽ tiếp tục tồn kho” - ông Tuấn lý giải về việc chậm chuyển đổi sang NƠXH tại TP.
UBND Tp.HCM kiến nghị miễn 100% thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư NƠXH, chuyển nhà ở thương mại thành NƠXH; giảm thuế GTGT đối với người mua nhà lần đầu… Riêng về gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng của Chính phủ, ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, cho biết tính đến ngày 15/10, ngân hàng đã cho 179 khách hàng cá nhân vay với số tiền 103 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào được vay gói này.
Theo ông Cường, việc giải ngân chậm là do các ngân hàng thương mại rất thận trọng trong việc xét duyệt các tiêu chí để bảo đảm khả năng trả nợ vì pháp luật hiện chưa cho phép thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai.
Tuy nhận xét tiến độ thực hiện của Tp.HCM so với Hà Nội là chậm nhưng ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cũng đồng ý với sự thận trọng của TP. Bởi lẽ, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM có rất nhiều chung cư “khoét lõm” đã làm tăng dân số cục bộ, không bảo đảm về hạ tầng. Nếu cứ cho phép chuyển đổi ồ ạt, sau khi bán hết, chủ đầu tư rút đi thì nhà nước phải gánh hậu quả những phát sinh sau này. Ông Tuyến ghi nhận những kiến nghị của Tp.HCM và cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ.
- 245
- By Admin
- 30/10/2013
- 17